Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Tôi về phố tôi



     Long lanh phố Sài Gòn…

    Tôi nhận ra, Sài Gòn không phải là nơi kéo dài những mộng mị trong tôi, mà là dập tắt nó và khoanh vùng tôi trong ý nghĩ: phải sống mạnh mẽ. Sài Gòn tập cho tôi cách sống đa mang và dằn vặt, ngay cả những điều mà tôi tưởng chừng chẳng xứng đáng đứng ở một góc tim tôi. Nhưng, rồi mọi thứ vẫn tồn tại, nằm đó và vắt kiệt sức tôi những đêm khuya thức trắng. Tôi cũng dễ nhận ra, khi trọ mái phố này, tôi biếng lười nói lời yêu thương hơn ngày xưa, dù tôi còn yêu thương rất nhiều.
     Những khắc khoải có làm tôi trầm buồn hơn, thì tôi vẫn thấy Sài Gòn long lanh và đẹp. Bởi không phải mảnh đất nào cũng nuôi hoài trong con người ta một ý nghĩ như nhau. Sài Gòn, những đêm nằm nghe cơn gió hiếm hoi lùa qua con hẻm vắng, chợt thấy mình như đang mồ côi, cũng chợt ý thức về những mưu cầu của mình khi đến đây. Chiều, thành phố lên đèn trang hoàng, má tôi cầm cục vé số đi mòn gót dép, lầm lũi nuôi những ước mơ tôi. Dáng vẻ nông thôn của má như nghịch với phố xá, đèn màu. Nhưng, cuộc sống là vậy. Cũng như cuộc đời này mà thôi, chẳng có điều gì tuyệt đối cả, có người khóc thì phải có cười, miễn chẳng ai khóc quá lâu và chẳng ai cười lâu quá. Sài Gòn, có tôi ngồi ở góc quán cà phê vắng chỉ để đợi nụ cười những đứa bạn thân, rồi kể nhau nghe những nỗi niềm từ quê về phố - đứa nào cũng nao nao buồn, cũng bùn đất nhưng tràn đầy khát vọng.

     Phố anh…

Những ngày vui...

     Phố anh mùa này có lẽ cũng thông thốc gió như phố tôi. Nhiều con đường ngắn chạy xô về phía biển, tôi thường không có cảm tình với những con đường quá ngắn, chúng không đủ dài để nuôi trong tôi sự thênh thang. Trên đường đời, khi kết thúc một chặng đường, hẳn đêm đến sẽ trằn trọc về những gì đã đi qua. Nhưng đi trên đường phố anh, tôi chưa kịp thuộc hết tên, chưa kịp suy nghĩ vẩn vơ thì đã kết thúc. Tôi nuối tiếc rất nhiều. Dù gì đi nữa, phố có tình yêu tôi bao giờ cũng đẹp. Bởi dù ngắn hay dài thì rốt cuộc con đường nào cũng phải đi đến cuối, chẳng có con đường nào bất tận. Nếu như phố núi tươi đẹp và ắp mùi cao nguyên, thì phố biển của anh nồng nàn gió và thoát bay.

     Phố tôi…

     Mùa này, phố tôi đã bắt đầu vào thu. Mùa thu không rõ ràng lắm, nhưng đủ cảm được khi mây về nhiều và nắng bắt đầu yếu ớt. Những đứa bạn tôi không về nữa, mang tuổi trẻ đi xa phố rồi. Không biết mai này có còn đứa nào về để kề vai bá cổ nhau và nghĩ “phố mình là lớn nhất” như ngày xưa. Có lẽ đi xa, phố tôi không còn là nơi rộng lớn trong đầu mỗi đứa. Tôi cũng vậy thôi, chợt nhiên tôi thấy phố mình gầy và thưa vắng lạ. Khi đôi chân đi đến vùng đất khác, thì cái đầu cũng suy nghĩ khác đi.Thế là phố trong tôi không vồn vã nụ cười xưa. Bây giờ, nhìn phố tôi buồn nhiều. Phố tỉnh lẻ là thế, đôi lúc tôi có cảm giác, chỉ có gió và nắng là chung tình với phố mình. Tôi và những đứa bạn tôi, cứ khoác áo đi xa mãi. Rồi khi đau thương tràn đầy thì quay về thủ thỉ với nhau “Phố mình bình yên quá!”, rồi lại vác balo nghêu ngao đi tiếp. Khi không, đứng trước phố tôi lại khóc, dù kí ức về phố đầy ắp những dấu yêu trong tôi. Cuộc đời này, đôi khi nghịch lý vậy. Có khi người ta trải qua vô vàn sóng gió, họ mạnh mẽ đến độ không bật thành tiếng khóc. Nhưng lại nước mắt lưng tròng khi ăn phải trái ớt cỏn con. Như nhân vật Nhĩ trong Bến quê vậy, tuổi trẻ “đã từng đi không sót một xó xỉnh nào trên trái đất”, cuối đời lại về dằn vặt với một khúc sông quê.




     “Phố có trẻ như những giấc mơ tôi
     Trẻ như tình yêu chưa nụ hôn, chưa bao giờ nước mắt
     Phố có gầy như tháng Mười đi qua mùa lũ
     Như tôi vai gầy tựa vào phố soi lại vết tình đau?"

    Nếu Hà Nội cổ kính, Sài Gòn tươi trẻ khi có mưa. Thì phố tôi thật hiền và tội nghiệp những mùa giông gió. Khi đi xa, tôi nhớ da diết tách cà phê tháng Mười nhấp vồ vập mà vẫn lạnh môi, nhớ bầu trời xanh khi phố vừa qua cơn bão. Rồi tôi sẽ về phố tôi, an nhiên như ngày xưa khờ dại tin rằng, xa phố mình chết mất.

Phố thương, 26.8.2012
    

    
    

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Những vòng ôm



       
    Sau một tuần mê mẩn chuyện tình của Joe và Ann, tôi dằn vặt về vòng ôm một cách khủng khiếp. Đơn giản chỉ là một đôi tay, siết lấy một bờ vai hay một tấm lưng. Ấy vậy mà tôi lại có cảm tình và ưa suy nghĩ về nó lạ lùng.


    

     Tình yêu của tôi

     Joe dành cho Ann những vòng ôm không vụ lợi, vượt lên trên hết đó là tình yêu ngầm mà Joe không dám gọi thành tên. Khi họ cho nhau những vòng ôm cuối cùng để kết thúc một tình yêu tuyệt vọng, họ đau tan nát. Tôi nghĩ, đôi khi ôm một người không phải để bên nhau mà là để xa nhau mãi mãi. Vòng ôm lắm lúc cũng khiến con người ta đau lòng, dù biết mình thừa chân thành dành cho nó. Cứ thế, tôi thường ám ảnh với những chuyện tình không thể nào đi đến cuối. Tình yêu của tôi ít bão nổi và đằm lắm! Nghĩa là chúng tôi yêu nhau một cách lặng lẽ và hưởng thụ hạnh phúc cũng lặng lẽ tương đương. Những lúc bên nhau, tôi thích ngồi sau xe và ôm anh thật chặt, đứng trước biển để thấy lạnh và cần anh siết lấy bờ vai. Khi chúng tôi xa nhau, bắt đầu một tình yêu trong tâm tưởng bởi khoảng cách địa lí, tôi thường sợ những vòng ôm, dù chỉ là cái siết thật mạnh vài phút thôi là kết thúc. Bởi, vòng ôm cũng biết gây nhiều vấn vương và hành hạ kí ức tôi.

     Q.

     Tôi lại lặp lại điều tôi muốn nói với Q., rằng, trong những đứa bạn thân yêu của tôi, tôi luôn cảm thấy được che chở khi ngồi sau xe Q. Công bình mà nói, chúng tôi là những đứa bạn không hẹn mà gặp, rồi thân nhau da diết. Bởi thế, Q. không có trách nhiệm gì phải che chở tôi, trong ý niệm tôi và Q. cũng không tồn tại điều đó. Nhưng, ngồi sau xe Q., tôi lại thích co ro, thích nheo mắt mỗi lúc đi ngược chiều nắng gió, ôm nhỏ một vòng tràn đầy rồi cười hí hửng. Có lẽ, đó hạnh phúc của tình bạn. Nhỏ thường bảo, đôi tay tôi quá nhỏ bé, mỏng manh một cách yếu ớt. Những lúc mệt lã trong chuyến đi dài, tôi thường tựa đầu trên vai Q., ôm chặt lấy nhỏ. Đôi lúc tôi nghĩ: đôi tay quá bé, có đủ cho người khác một vòng ôm thật đầy? Tôi không tự tin níu kéo ai bằng những vòng ôm, dù tôi yêu thương họ lắm lắm. Khi những dấu yêu đi qua tôi, tôi thường đặt câu hỏi cho mình: “Vì tôi bất cần họ, hay đôi tay tôi quá bé để níu giữ họ ở lại?”. Liệu Q. có thấy ấm khi tôi ngồi phía sau, ôm nhỏ thật chặt phía trước, và lắc lư cười phía trên đôi vai của nhỏ?



 Q.

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Một bài thơ đã cũ

     Sáng nay, tôi dọn đống sách báo cũ, tình cờ lắm, tôi đọc lại bài thơ ngày 17 của tôi. Thực sự, nó rất buồn. Mỗi lúc tôi nói tôi đang cô đơn, Q. trách: "Người như mày cũng cô đơn sao?". Nhiều lúc cô đơn không phải là thiếu những người vây quanh, mà là thiếu một người chung quan điểm, hiểu những suy nghĩ của mình.  
  Tôi từng yêu những tình khúc, những bài thơ mùa thu, yêu lắm. Nhưng năm tháng qua đi, tôi không còn thời gian cho những giây phút đó nữa. Lắm lúc, tôi quên cả bây giờ là màu thu. Mà cũng có thể có thời gian đấy, nhưng càng lớn người ta càng bỏ qua nhiều thứ, kể cả khát vọng. Họ chịu đựng nhiều hơn là giải tỏa. Quy chụp lại, tôi cũng như vậy mà thôi



Mùa thu cõi lòng... 

- Cho anh-
Tôi không thấy điểm khởi đầu của mùa thu
Dường như đất cựa mình giao mùa trong nín lặng
Và hàng cây âm thầm trút lá
Bỏ rơi cành, về nương tựa mảnh đất câm.

Mùa thu tàn nhẫn không?
Trút lá vàng nhuộm úa cả nhân gian
Tôi bỗng hóa ngốc nghếch
Đi cùng kẻ tàn nhẫn suốt tháng ngày dài
Rồi con tim cũng lấm lem màu úa vàng của lá
Ai bảo nỗi đau là thứ vô hình không chạm được?
Tôi chạm nước mắt, nặng oằn trên khóe mi.
   

                    
Đâu phải mùa thu nào cũng buồn phải không anh?



Ký ức tôi không mang màu hồng hạnh phúc
Nên chẳng thèm hoài niệm
Nhưng mọi sự biếng lười đều phải trả giá
Heo may rào rạt như khóc
Thổi thốc tâm hồn tôi về bên kia con dốc -  ngày xưa
Lóng ngóng xếp những mảnh ký ức giữa  ngày nay
Cứ lô nhô nhiều vết xước
Tôi tan theo miền nhớ, đớn đau.

Dẫu khóc đến mỏi mòn đôi mắt
Khắc khoải đến rã rời lý trí
Bấn loạn đến ray rứt trái tim
Tôi vẫn đủ sức tặng người một tấm lòng
Như chính mùa thu
Dẫu xao xác đến gầy guộc
Và nắng thật thà hơn cả gió
Vẫn vỗ về tặng đời những vần thơ.

Tôi ngơ ngác tìm điểm kết thúc của mùa thu...

Tháng 09 - 2010
                            



Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Sông cạn




     Chiều hôm rồi tôi lại ra sông, mùa này nước rút cạn, chỉ còn vạt nước mỏng nằm ôm đáy. Tôi áng chừng, đây là mùa hè sau cùng còn sót lại trong đời mà tôi có thể ra sông, nhìn sông bằng con mắt dặt dìu. Vài năm nữa thôi, tôi sẽ khác đi. Mà cụ thể là già đi trên khuôn mặt lẫn nếp nghĩ, có buồn đi chăng nữa chắc tôi cũng chẳng ra sông. Càng lớn, người ta xử lí nỗi buồn càng thầm lặng hơn, thường là câm nín, và thôi không còn nức nở. Chưa mùa hè nào tôi thấy sông khô đến vậy. Thì ra sông đã đứt nguồn, nước thôi không chảy qua ngã này, chỉ còn lại bãi cát vắng ngắt với vài cây ma vương chết đứng. Tôi biết, những thứ đã mặc định hình ảnh của nó trong đầu, khi chúng thay đổi chóng vánh, lòng ta sẽ buồn.
     Cuộc đời này đôi lúc cũng như sông, cũng đến lúc cạn khô và chết lặng. Như Ba tôi, Ba gầy đi nhiều, trũng mắt sâu và đôi chân chậm dần. Nhiều năm qua đi, khi thời gian lấp dần tuổi trẻ thì ai chẳng tàn đi chút ít. Những đêm Ba tôi đau, cơ mặt Ba co rúm lại, tôi chống chế ý nghĩ của mình bằng cách an ủi tôi, rằng, Ba sẽ ở bên tôi mãi. Những mất mát hiển nhiên trong đời dù muốn hay không rồi cũng sẽ đến, tôi ngoan cố suy nghĩ ngược đi, rồi nước mắt tôi chảy dài. Sự thật, Ba tôi đã yếu hơn ngày xưa nhiều. Độ này, Ba thường ngồi kéo những hơi thuốc lá dài và chậm, dáng người bần lắm, dường như suy nghĩ điều gì đó rất sâu. Giá đừng suy nghĩ về tuổi trẻ. Khi cuối đời, nhắc đến tuổi trẻ, người ta thường buồn, như câu hát “Cuối đời còn gì nữa đâu, đã tàn mộng mị, khát khao”. Đến tôi, nhắc đến tuổi trẻ cũng hay bần thần về tuổi mình. 

     Như Má tôi. Tôi từng nghĩ Má tôi là người đàn bà mà chất đàn ông tồn tại nhiều hơn, Má không khóc trước những sóng gió. Má mạnh mẽ đến độ khi tôi yêu, tôi thường so sánh đôi tay người tình có rộng và vững như đôi tay của Má. Con người ta, khi còn ở tuổi hoa niên, có niềm vui nỗi buồn đều khóc cười không nén được cảm xúc. Rồi trưởng thành, họ biết khóc thầm với nỗi đau, biết cười lặng lẽ với niềm vui, hưởng thụ và chịu đựng âm thầm lắm. Cuối đời, khi đã ở tuổi hoa râm, họ lại không nén được nỗi lòng như tuổi hoa niên. Họ dễ khóc thành tiếng trước nỗi đau, hay dễ cười giòn với niềm vui. Cuộc đời này, có những thứ lệch pha nhau, nhưng hoạt động cùng tính chất đến đắng lòng như vậy. Độ này, Má thường khóc. Tôi biết, Má tôi đã đến tuổi không kiềm nén được xúc cảm như quy luật ấy, Má đã xế chiều. Nhìn nước mắt Má chảy từ trong hẻm mắt ra, tôi đau. Cuộc đời tôi (mà có lẽ ai cũng vậy thôi), không đòn roi nào đau bằng nhìn ba má khóc.
     Tôi không để ba má dắt tay tôi đi, đã từ lâu tôi đặt ba má ở một vị trí của lòng, sau nỗi đau tôi biết chỉ gia đình thương tôi nhất. Tôi tự mình vượt lên những thất bại, đôi lúc mệt lả, tôi chán thở, rồi ngủ vùi đi khi trong đầu vẫn nhừa nhựa ý nghĩ – tôi đang đi trên sỏi. Tôi từng sợ những mưa bụi, bon chen Sài Gòn. Nhưng “ở chợ hay ở quê gì rồi người ta cũng lớn lên”, với những người có chí hướng, Sài Gòn được lắm. Tôi nhận ra mình thay đổi nhiều, tôi sống và suy nghĩ đằm hơn. Có lẽ là già, nhưng cuộc đời này cần vậy. Rồi ai cũng phải lớn, phải lo toan cho đường mình. Tôi chẳng thể hồn nhiên khi tuổi mình không cho phép nữa, hẳn một điều tôi không muốn làm sao quả tạ đè nát lòng những người yêu thương tôi. Với viết lách, tôi từng nghĩ mình không thuộc về văn chương, chưa bao giờ tôi nhiệt tình với nó, tôi đến với viết lách vụng về và nông cạn. Thời gian này, tôi chợt ý thức khủng khiếp vai trò viết lách đối với tôi. Nó không là cảm giác nghệ thuật chợt đến chợt đi như ngày xưa. Nó – văn chương – con người - miếng cơm manh áo của tôi bây giờ, và về sau mãi. Mỗi sáng ra, tôi biết mình vẫn còn thở thì vẫn phải viết. Tôi đưa tất cả những gì tôi đạt được về con số 0 và bắt đầu lại bình thường nhất. 
     Ừ, thì đời người đôi lúc như sông, lúc chở nặng phù sa, lúc cạn cùng sỏi đá. Nhưng, niềm đau hay hạnh phúc, chỉ là quan niệm của mỗi người mà thôi, nó không là phạm trù tuyệt đối.

Quảng Ngãi thương, 10.06.2012 (AL)