Sáng nay lang thang Google tìm tài liệu, vô tình lạc vào một bài viết của mình ngày xưa. Những ngày viết thật ngoan, thật hiền. Ba thương, nhớ ba!
Ba tôi rất gầy. Mỗi lúc ba nằm gác tay lên trán nghe cassette nhìn ba càng khắc khổ hơn. Trong gia đình tôi, những việc lớn đều do má hoạch định ra, ba chỉ việc làm theo ý của má, hiếm khi thấy ba phản đối điều gì. Ba tôi có thú đọc sách và rất thích bàn chuyện thời cuộc trong Tam quốc chí.
Tôi bị ám ảnh với dáng vẻ đọc sách của ba, ba vừa đọc vừa nhả từng làn khói thuốc trông rất buồn. Cứ sang một trang, ba lại gạt tàn. Khi không đọc nữa, ba gấp sách lại, vùi đầu thuốc hút dở vào ly nước trà cho tắt ngấm rồi mới đứng dậy. Bao giờ cũng một quy trình như thế. Đôi lúc, tôi ngỡ như cuộc đời ba chỉ có sách, khói thuốc lá, nước trà và sự im lặng. Rất ít khi thấy ba xôn xao chuyện đời. Cứ thế, ba tôi yên ắng như một buổi trưa. Tôi không thể hiểu được sự im ắng đó, dường như có một nỗi buồn sâu hút trong đáy mắt ba tôi.
Má tôi cho rằng ba là người đàn ông thất bại, bởi ba chẳng làm được việc gì lớn lao cho vợ con. Rất nhiều lần, má trách móc ba lớn tiếng. Những lúc như thế ba đều lặng thinh như nhận có lỗi, nhưng bất lực không biết làm gì để chuộc lỗi của mình. Nếu ba lời qua tiếng lại với má, thì có lẽ ba má tôi không ràng buộc nhau lâu đến vậy. Má yêu sự im ắng đó của ba từ thời trai trẻ, ba cũng yêu má. Nhưng vì sự cùng cực của cuộc sống (điều đó khi yêu thường thì người ta không nghĩ đến) nên đôi lần má nặng lời với ba. Suốt những tháng năm dài, gia đình tôi luôn chìm vào sự im lặng buồn bã của ba. Đã có lúc, tôi giận khi má cho rằng ba là người đàn ông thất bại. Sau này lớn lên, nhìn đôi tay thô ráp, bờ vai gồ ghề của má, tôi bắt đầu nghĩ, người đàn bà nào cũng cần tấm lưng vững chãi của đàn ông để tựa trên đường đời, chứ không phải tự vỗ về lấy tấm lưng yếu mềm của mình. Trong khi đó, ba tôi lại là một người đàn ông có tấm lưng hao gầy - yếu đuối.
Khi tôi mười tám, những thất bại đầu đời khiến tôi hoang mang về lối đời tôi chọn. Bản tính ngoan cố của tôi không chấp nhận mình thất bại, tôi đổ lỗi cho những ai đem đến cho tôi sự thất bại ấy. Khi đó ba tôi sáu mươi tuổi, những căn bệnh tuổi già bắt đầu đến. Ngôi nhà bé nhỏ của tôi lúc nào cũng nghẹt mùi thuốc Nam, thuốc Bắc. Có lần, ba tôi uống nước thuốc sắc từ cây mật nhân, cơ mặt ba co rúm lại, loại thuốc này đắng đến độ trôi qua cuống họng rồi mà vẫn đắng dai dẳng đầu lưỡi. Uống xong chén thuốc, ba cười nói: “Thuốc này đắng, thế mới gọi là mật nhân. Ai chẳng có mật, mà mật ai chẳng đắng! Bởi vậy sống ở đời đừng than trách ai tệ bạc với mình, mật họ đắng thì mật mình cũng chẳng ngọt đâu con! Cứ xem như, trong nhà quân tử thì ra đường gặp quân tử, trong nhà tiểu nhân thì ra đường gặp tiểu nhân. Đừng soi lòng mình bằng gương lành lặn, đem gương vỡ nát soi lòng người khác!”. Ba tôi rất ít nói, nhưng một khi đã nói thì như soi thấu ruột gan tôi. Tôi hiểu ý ba nói gì, tôi bắt đầu suy nghĩ mọi thứ đơn giản hơn, không nhìn cuộc sống bằng con mắt hằn học nữa.
Giờ tôi hai mươi, nỗi buồn của tuổi trẻ vài lần quật ngã tôi. Tôi loay hoay giữa đâu là đam mê, đâu là từ bỏ. Mệt nhoài, tôi thấy cuộc sống đầy bế tắc. Dần dần, tôi trở thành người sầu kín hơn là biểu hiện. Lúc quá rã rời, tôi lại vác balô về nhà - nơi bình yên nhất đời tôi. Sức khỏe ba tôi giờ yếu đi nhiều nên hằng ngày phải uống thuốc. Tôi rất ít tâm sự với má vì tính má rất khô khan, phần lớn tôi tâm sự với ba. Tôi hỏi ba: “Khi hai mươi, ba có buồn như con không?”. Ba nói: “Mật nhân thì đắng lắm, nhưng đắng mấy vẫn dễ chịu hơn là cơ thể đang bệnh mà thiếu vị đắng ấy. Thế nên, đoạn đời này con nghĩ là đau buồn, nhưng không chừng là bình yên của những đoạn đời sau!”. Tôi vác balô lặng lẽ tiếp tục hành trình của mình khi trong lòng đã ắp đầy những lời dạy của ba. Tôi tập sống mạnh mẽ, dù hôm nay có đau đến mấy, thì cũng là phần sống đáng trân quý của đời tôi.
Ba tôi không có tấm lưng vạm vỡ, đôi tay to lớn như những người đàn ông khác. Ba chỉ có tấm lưng ốm yếu, đôi tay hao gầy và những chiêm nghiệm mà thôi. Ba thương!