Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Tháng ba

Những buổi chiều ngày đó đã mốc meo, nhưng tuyệt nhiên không phân hủy đi. Vẫn nằm đó, chi phối dòng suy nghĩ.



        


           

Tháng ba thì có gì đặc biệt ngoài nắng và kỉ niệm. Muốn “nếu như…” thật nhiều, nhưng để làm gì khi không thể?! Giờ này, đứa nào cũng đã lấm lem nước mắt, thì “nếu như…” chỉ mệt lòng. Định viết về những kỉ niệm đầy ắp mang tên tháng ba, nhưng thôi, sợ khóc.  
Độ này cuộc sống có vẻ ồn ào. Vui nhiều, nói nhiều, nhưng không có niềm vui nào dài cả. Sau những ồn ào lại rơi vào trạng thái tĩnh, cô đơn, đôi lúc ngỡ bế tắc như đang trong môi trường chân không. Cũng như con đường cuối thị trấn ngày đó, đẹp nhưng là con đường cụt thênh thang gió.
Chiều nay, nhận ra, không một ai có sức ảnh hưởng lớn với mình nữa. Có lẽ, cần những vòng xe đạp, gắn cho mình cái mác tinh khôi mang tên “học trò” rồi chậm rãi đi về phía biển tìm chút thảnh thơi. Bỗng dưng buồn, nỗi buồn không rõ lắm nguồn gốc xuất xứ. Chẳng có nơi nào khiến lòng dễ dàng nguôi ngoai bằng về nhà, nằm thở đều đều trên chiếc giường có tiếng kêu răng rắc của con mối đục gỗ, có con dế dưới giường tụng hoài bài ca thời con nít, và một vài con thằn lằn yêu nhau trên nóc nhà. Khi không còn một buổi chiều café nào có thể nuốt gọn một nỗi buồn, thì bấy nhiêu đó, đủ cho cả thời tuổi trẻ.
Bờ tường ở nhà quá lô nhô, lòng mình cũng lô nhô không kém. Tháng ba, chắc chắn nắng sẽ khiến bờ tường thở, phả ra thứ mùi khét lạ. Mình thương những bờ tường lô nhô, như thương chính lòng mình.


Mưa tháng ba…
                        Võ Mạnh Hảo
Cơn mưa lạ đổ dài trên những đường quen
Tháng ba bất ngờ ướt sũng
Cái nóng bất ngờ tan nhanh như bụi lấm tấm khuôn mặt người
Nâng bàn tay vuốt mặt mà như mình vừa chối bỏ chuyện đâu đâu.

Một hàng cây bên quán xưa kỉ niệm
Một tách trà trong căn phòng ấm và đôi mắt buồn như chiếc lá câm.

Cơn mưa lạ vẫn thản nhiên đổ dài êm không tiếng sấm
Gương mặt giờ nhẹ hẫng bong ra những xác buồn.


Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Vết sẹo

Những đứa con gái cùng lứa với tôi đều có những vết sẹo tiêm phòng trên cánh tay, tôi thì không. Có lẽ ngày xưa quá khổ, ba má sinh con ra rồi giao cho trời cho đất, tiêm phòng là một điều xa xỉ.



       
Tôi nhớ, ngày xưa, ngày tôi còn rất nhỏ. Ba má đi đốt than để tôi ở nhà một mình, dù tôi chưa lên 5, cũng có thể chưa lên 4, tôi cũng không nhớ nữa, chỉ nhớ mình chưa được đi học, kí ức của một đứa bé thường lem nhem vậy đó. Ba dặn tôi ở nhà giữ cái đèn pin (ngày đó thắp đèn dầu, đèn pin rất quý), tôi ngoan đến độ đi chơi tôi cũng mang theo, ai thấy tôi cũng cười. Đến tối tôi vẫn chưa thấy ba má về, nhìn đóm lửa đốt than trên núi vẫn cháy, tôi biết, còn lâu ba má mới về. Tôi ôm cái pin ngồi khóc. Con heo đói, nó phá chuồng lên ủi tung nền nhà đất. Ngày nào cũng vậy, tôi có thói quen ngồi đợi ba má, riết rồi tôi sợ những đóm lửa cháy trong đêm. Đến 9h tối ba má mới về với vài đồng tiền bán than cũ nhàu, và một cái bánh mì ngọt cho tôi. Ba má quá khổ, giờ vẫn vậy. Sinh con ra, nuôi con lớn... là một đoạn đường dài nhiều mồ hôi và nước mắt. Chẳng ai hiểu và chịu đựng những đứa con bằng cha mẹ, tôi nhận ra điều đó trong đáy mắt sâu hoắm của ba ngày tôi bắt đầu biết làm thơ.
Tôi ám ảnh với những chuyến đi xa làm ăn của ba, thường là thất bại, và khi về là một khoảng buồn chụp xuống gia đình tôi. Ba tôi, không làm được những việc lớn lao như những người đàn ông khác. Ba im lặng là nhiều, đôi lúc tôi hồ như ba nghĩ rằng người đàn ông thất bại thì không có quyền được nói. Ngày tôi bắt đầu suy nghĩ và nói chuyện cuộc đời, tôi nói với ba "Cuộc đời vòng luẩn quẩn, kiếp luân hồi, rồi lại mưu sinh ba ha!". Vậy mà ba kể tôi nghe Tam quốc chí, rồi nói tôi nghe triết lí con chuột. Ba nói cuộc đời là ở đó. Giờ tôi cũng chẳng hiểu vì sao cuộc đời lại ở đó nữa, chẳng thể. Di một việc tôi hiểu, ba nói chuyện Tam quốc chí rất hay. Má không thích ba như vậy, má nghĩ cuộc đời ba khổ chỉ vì chữ nghĩa nửa mùa.
Tôi không chất chứa chi những chuỗi ngày khổ cực đó thành bãi trong đầu, nhưng nhiều lúc nghĩ lại tôi thấy lòng bong tróc. Vì tôi không phải là người khổ, tôi thương ba má, một đời mặc định mình với những nỗi lo toan.  
Tôi có rất nhiều sẹo, riêng một vết sẹo cần thiết thì tôi lại không. Có lẽ, đó là quy luật bù trừ, rằng, tôi thiếu vết sẹo trên cánh tay, nhưng vết sẹo trong lòng thì luôn hiện hữu. Vết sẹo lòng! Không nặng nề đến độ gọi là nhức buốt, đớn đau này nọ. Đơn giản là một miền dữ liệu chẳng mấy êm đềm, vậy thôi.

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Này, còn về chứ?

   19 thôi, nhưng sao tôi cứ thường hay dằn vặt về tuổi tác, về những thứ từng đi qua tôi? Dấu yêu đã khăn gói ra đi khỏi cuộc đời, chỉ còn cặn lại một khối kí ức cũ nhàu. Chừng này, một năm về trước, tôi đã rất vui - niềm vui đơn giản và ấm áp.
  Ngày đó, có Nga đứng đợi tôi trước cổng trường, thủ thỉ "Cố lên mày!" trong lần đầu tiên tôi vấp ngã chuyện học hành. Nhỏ đứng mấy tiếng đồng hồ chỉ để đợi nụ cười của tôi sau lần vượt lên thất bại ấy. Có Yến tựa vào vai tôi khóc mướt bởi những vết xước đầu đời. Đêm qua Quyên đã khóc, chỉ vì nhớ những ngày xưa. Khi cuộc sống ngoại tại đã qua đi, thì hẳn nhiên chỉ còn lại cuộc sống nội tâm của ta về nó, nỗi nhớ là điều tất nhiên. Này, còn về chứ, những tình bạn của tôi? Về lại những ngày chúng mình rất vui.
  Có lẽ, hạnh phúc chỉ đơn giản vậy, không hơn. Cuộc đời, chẳng có gì là tuyệt đối cả. Ngay cả chi tiết máy là thứ cần độ chính xác tuyệt đối về kích thước, nhưng cũng có sai số đó thôi.
  Tôi đã xem rất nhiều kí sự, nhưng tôi đặc biệt thích đoạn này. Tôi tìm ra khái niệm hạnh phúc rất thỏa đáng
        

   "Khái niệm hạnh phúc được định nghĩa dưới nhiều trường hợp, tùy theo quan điểm nhận thức của từng người [...] hạnh phúc chỉ giản đơn và dễ hiểu, đó là niềm vui khi hết mình với công việc, bằng lòng với những gì hiện có, sống thanh thản và vô tư."

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Không là mạng nhện trong xó bếp

    
  
Độ này tôi thường suy nghĩ về những phận người, không nặng nề đến nỗi gọi là niềm trăn trở, nhưng cũng để lại trong tôi một chút nhói lòng.

Tôi viết, cho một khát vọng mang tên khói rạ…
Tôi sinh ra ở một vùng quê có tháng 4 sực mùi rơm rạ và khói đốt đồng, có tháng 10 nước lũ tràn về buồn hơn khóc. Tuổi thơ tôi cháy nắng, lem luốc và bùn đất. Có một điều rất lạ, người dân quê tôi ra đi chẳng mấy ai muốn về. Trẻ con lũ lượt sinh ra, lũ lượt lớn, lũ lượt thôi học, rồi lũ lượt có gia đình ở cái tuổi non trong.
Tuổi thơ của tôi, một buổi đến trường, một buổi về chăn bò như bao đứa trẻ quê khác. Da tôi đen, mái tóc khô vàng vì nắng. Giọt mồ hôi khô cặn đến mặn mòi trên tấm lưng ba những ngày tháng nắng, dấu bùn đất vướng víu nơi gót chân má gần cả đời người. Tất cả, ám ảnh tôi, nuôi những vòng xe đạp của tôi đến trường. Tôi ý thức rõ, mình cần học để xóa vết bùn đất một đời trên phận người của ba má. Ba tôi có một thứ triết lý rất thú vị. Ngày tôi quyết định thôi học, đi làm kiếm tiền như bao đứa khác trong xóm để ba má bớt nhọc nhằn, sẽ là một cuộc Nam tiến, và làm công nhân may chẳng hạn. Trước ngày đi, ba cho tôi quét chuồng heo, ra đồng cào rạ giữa trưa, cắt cỏ, đi nhặt phân bò khô về uông mỗi chiều để bớt muỗi..., tôi thực sự kiệt sức. Ba tôi: “Nếu con nghỉ học, con vào Sài Gòn kiếm tiền như bao đứa khác, thì vài ba năm nữa con cũng sẽ về lại nơi này, con tiếp tục những công việc này, không phải một hai ngày, mà là cả một đời. Con sẽ khổ như ba, như má. Con có thấy gốc rạ hông? Nó đứng khẳng khiu ngoài đồng, giờ thì nó hông còn một chút vài trò gì nữa, dù có một thời gian nó đã biết vắt kiệt mồ hôi ba má. Nhưng ba má cần nó, vì ba má cần phải nuôi mấy đứa tụi con. Con nhìn vào gốc rạ ấy mà biết mình nên làm gì!”. Đại loại là vậy, ba đã răn tôi vào một buổi chiều tôi gánh đầy hai thúng phân bò khô ngoài bãi về. Tôi đã khóc, tôi thấy mình hợp với sách vở hơn. Ba tôi rất hay, ba gọi đó là “triết lí gốc rạ” –  sự màu mè hóa của một lão nông. Tôi thật sự cần nó khi vào đời.
Trong tôi, đứa con gái 19, chưa bao giờ hắt hủi mùi khói rạ, dù thứ mùi đó làm phận đời ba má tôi ố màu già nua. Tôi muốn thoát khỏi nó, nhưng không hẳn là để nó không vị trí trong tôi. Tôi vứt bỏ vẻ quê mùa, ra đời để tìm cho mình một chỗ đứng trong xã hội. Nhưng khi đặt chân về nhà, tôi vẫn nón lá ra đồng cắt cỏ, cào rạ. Vì suy cho cùng tôi đã trưởng thành trong mùi khói ấy, chẳng ai trưởng thành mà không có cái bệ là quá khứ đỡ đầu.
Lũ bạn tôi giờ đã một hai đứa con. Vài nhóc trong xóm mới lớn lên cũng bắt đầu thôi học, rồi chồng vợ, con cái. Nhìn vài đứa em trong xóm ôm con xốc nách gọi tôi “chị Huyên”, chợt nhiên tôi thấy mình nửa trẻ nửa già. Tôi lớn hơn tụi nó vài ba tuổi, nhưng đôi lúc thấy mình như hàng tồn đọng, cứ học mãi, trong khi tụi nó đã nghỉ học vài năm về trước. Đôi lúc tôi lại thấy mình tinh tươm, thơ ngây trước mắt tụi nó quá đỗi. Có lẽ, đó là những phận người, mỗi người mỗi khác, có cuộc đời nào lặp khuôn cuộc đời nào đâu. Tôi đặt một dấu hỏi chấm cho tương lai những đứa bé tụi nó ôm trên tay.
Nếu ba má tôi không suy nghĩ thoáng, nếu tôi không hấp thụ sớm những cuốn sách cũ nhàu của ba. Thì có lẽ, tôi chỉ được học cho biết mặt chữ, rồi cũng thôi học, cũng chồng con. Chẳng khác gì tụi bạn tôi và đám nhóc vừa lớn lên trong xóm, ngựa vẫn đi lại con đường cũ mà thôi. Tôi không chắc rằng mai này mình sẽ có một cuộc sống sung sướng, nhưng hơn điều gì hết, tôi không muốn làm mạng nhện quanh năm trong xó bếp.

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Rêu phong làm cũ kĩ thị trấn tôi...

    
Đã là tháng 2 âm lịch rồi, bọn học trò 12 bắt đầu tập đau đầu với sách vở, với những chọn lựa cho tương lai…v.v, giống như tôi ngày đó. Thị trấn của tôi mùa này có lẽ đã sực mùi tháng nắng. 
Tôi nhớ đến những tình bạn của tôi. Ngày cuối cấp, mặc dù bận rộn sách vở, Quyên vẫn hớn hở đèo tôi chạy xe qua vòng xoay trước tòa án huyện chỉ để măm măm món bò hít cay xé lưỡi. Với những tình bạn, tôi tuyệt nhiên thấy mình an toàn khi bên Quyên. Tôi có thể ngồi co ro phía sau xe Quyên, mặc nhỏ ngồi phía trước cầm tay lái chạy đường dài, miệng lí nhí: “ Sao tao cứ thích che chở cho mày Tiêu ơi, chắc tại mày mi nhon quá”.
Tôi không biết những đứa bạn của tôi có suy nghĩ giống tôi không, rằng, giờ thị trấn mình thật nhỏ bé. Vòng xoay trước tòa án với tôi và lũ là một con đường rộng lớn, mỗi độ tan học tôi thường phóng xe qua đó và cảm thấy mình nhỏ nhoi trước con đường. Tôi vẫn là tôi, thêm một tuổi nhưng không thể gọi là già. Nhưng giờ, mọi thứ với tôi thật nhỏ bé. Rêu phong làm cũ kĩ thị trấn tôi.
Thị trấn của tôi ngày đó, có Loan đèo tôi đi về phía biển. Đến tận lớp 11 tôi mới thực sự thấy biển. Tôi đã hỏi Loan một câu ngớ ngẩn thế này: “Cái gì mà thẳng tắp, xanh lè, bự đùng, mà cao mú mù vậy mày?”. “Biển!”. Lần đầu tiên thấy biển, tôi xoắn xuýt như đứa trẻ, cứ thấy sóng tôi lại la lên, phấn khích.Ngày đó tôi còn biết háo hức một điều dù tầm thường, đơn giản như vậy.
Mùa gió Lào thổi thông thốc qua thị trấn, tôi thấy thị trấn mình thật nghèo. Tôi gọi mùa này là “mùa buồn”, bởi đây là chuỗi ngày tôi phượt nhiều nhất, để giải tỏa những nỗi bâng khuâng rất đâu đâu. Những ngày tháng nắng, đứng giữa thị trấn tôi, chợt cảm được mình phong phanh, nghèo nàn và lầm lủi. Tôi đã có một thời như vậy.

Lát cắt kí ức tôi…
“Tôi biết mình không thuộc về thị trấn này, thị trấn cũng không chất chứa hết nỗi buồn của tôi. Tình yêu đã không thuộc về nhau, thôi thì cứ để bay đi thông thốc như gió Lào tháng Sáu” – ngày tôi 17.

Trong tôi có thị trấn, thị trấn có một góc tuổi trẻ tôi.


Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

My friend

Chợt nhiên, tôi nhớ đến những đứa bạn tôi. Nhớ thời mà chúng tôi vẹn nguyên, không đau thương, không vết xước. Có những chuyện qua đi rồi, mới bắt đầu ý thức thức được ý nghĩa của nó.


Là nụ cười của Quyên...





Là Thanh...






Là Yến...






Là Hoa...


Hoa & Quyên

Là Nga...


Tôi & Nga, ngày hồn nhiên như thuở mới bắt đầu


Là Sùng...




Là tôi của một thời...

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Gia đình

Cả đời tôi, niềm tự hào lớn nhất là có một gia đình, dù đôi lúc có cãi vả, nhưng suy cho cùng cũng chỉ vì yêu thương nhau.
Ngày  đầu tiên tôi đi học, ba chở tôi trên chiếc xe đạp gầy gò. Tôi ám ảnh với những vòng xe chậm rãi, khắc khổ của ba. Ngày đó tôi còn quá nhỏ để ý thức được vòng xe ấy đã lận đận để nuôi no cuộc đời này, chở con đến trường học với bao hi vọng ở ngày mai. Tôi ngửi thấy mùi mồ hôi mặn điếng của ba, chiếc áo bạc thếch hai vai, chiếc quần lâu năm xoăn hình lo xo, đôi dép tổ ong mòn gót. Lên lớp 2 tôi đã biết tự đi xe đạp, bằng chính chiếc xe ấy, ba đã nuôi trong tôi thứ khát vọng đến trường.       
          
       
                
“Người xây ngục tối, tình yêu lừa dối” (Phạm Duy). “Chuyện tình mình chưa nghe lừa dối, lời hẹn đầu chưa đi vào tối” (Trần Thiện Thanh). Ngày tôi bước vào tuổi hoang dại, nghĩa là biết yêu, ba thuyết giảng về tình yêu với tôi bằng hai câu hát trên với hai từ “tối” và “dối”. Giờ thì tôi đã hiểu ngày đó ba muốn nói những gì với hai từ “tối” và “dối” ấy, chúng ngược nghĩa nhau đến đau lòng. Đó là hai mặt tất yếu của tình yêu, hoặc tràn trề hạnh phúc như Trần Thiện Thanh(Trần Thiện Thanh có bao giờ thôi yêu đâu nhỉ, với ông “khi ta yêu trái tim ta màu xanh”, mà màu xanh là màu vĩnh cửu, vĩnh cửu thì có bao giờ chết?), hoặc bi lụy như Phạm Duy. Nhớ và mang theo chúng vào tình yêu, để còn biết tiến khi tình tràn, và lùi khi tình cạn, dù tình yêu không có một công thức nhất định nào cả. Ba đã dạy tôi như vậy. Tôi có thể hồn nhiên kể với ba về anh – tình yêu của tôi. Có lẽ ba là người đem đến cho tôi sự can đảm để yêu anh, dù chúng tôi chênh vênh quá nhiều.
Tôi lên thăm má vào một buổi trưa. Cầm lốc vé số của má tôi thử đi bán, tôi cũng mời mọc, chèo kéo. Tôi muốn bật khóc khi chưa kịp mời, chỉ mới đưa ánh nhìn, người ta đã lắc đầu nguầy nguậy, đã hắt tay, đã không thèm trả lời, thậm chí bảo tôi phiền. Khi tôi bán được 5 vé, tôi chỉ muốn tháo chạy đến má để khoe. Tôi đau lòng khi nhận ra: bán được 5 vé đã đổi lấy bao nhiêu chua chát, mười mấy năm nay má đã chịu bao chua chát, bán từng tờ vé số để chị em tôi được đến trường, được áo xanh áo đỏ như người ta. Tôi ý thức được đồng tiền mình làm ra bằng viết lách, mỗi tháng cầm trong tay vài trăm nghìn tiền nhuận bút, tôi hiểu ý nghĩa đồng tiền.
Gia đình, cũng như chiếc xương sống của mình. Nếu chiếc xương sống đó tổn thương, mình sẽ đổ ngã.
Gia đình yêu!

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

Cho 04.03.2012

Thời gian này tôi có những buổi chiều wifi, post lên blog những dòng chữ mà có lẽ vài năm nữa đọc lại tôi sẽ thấy vớ vẩn.
"Con người là nô lệ của tuổi già", bạn có thể thấy não nề khi nghe thấy câu này. Tuổi trẻ, rốt cuộc rồi cũng đầu hàng tuổi già theo thời gian. Như ba má tôi, nghía lại đã thấy tuổi xế chiều cận kề, và sự trục trặc của cơ thể thi thoảng ghé thăm. Như chị hai tôi, một nửa đời người đã đi qua, chóng vánh. Tôi chỉ mong, sống, cốt để vui mỗi ngày, chỉ thế thôi, tôi thỏa mãn lắm rồi. Nhưng rồi có được không? Sáng nay, nghe nhỏ bạn tếu táo: "Hàng VN, chất lượng cao. Còn niềm vui, mua ở đâu cho có một niềm vui chất lượng cao mày?", buồn cười, nhưng cũng buồn lòng.



Tôi đã có một thời, niềm đam mê viết luôn sôi sục, dù giờ đọc lại tôi bật cười vì độ ngố của nó. "Càng lớn, con người ta càng cạn cùng lý tưởng" - T.V đã nói với tôi như vậy. Tôi và anh đều mất lý tưởng, mất đi những thứ đã từng là nụ cười của mình. Tôi mong đó là giai đoạn chuyển giao cho một lý tưởng mới, khát khao hơn. Bao nhiêu khát vọng mới có thể đi hết một thời tuổi trẻ? Thật là khủng kiếp khi sống không niềm tin, hay điểm bấu víu về niềm tin sụp đổ. Ai đó nói với tôi, sống đừng quá tin vào một thứ gì, chừa lại một khoảng trống để còn lùi. Nhưng sống không niềm tin, chẳng khác gì sống giữa một thành phố không một bóng người, chỉ mỗi mình, sống và chỉ tin mỗi bản thân.



Lát cắt kí ức tôi...


Bâng quơ chiều...
                                Ngày tôi 16


Câu nói trôi nhanh trong chiều hoang vắng
Góc phố phong phanh riêng mình tôi bước
Ngỡ đã chia đôi tim thành phế tích
Chiều chưa lạnh đã khát tiếng yêu nhau.

Nắng đã buông lơi, quán vắng mông mênh
Lời tình câm, nên đương nhiên tình buồn
Lắng cơn đau, trống vắng đến vây quanh
Đừng đau nhé, giọt cà phê vỡ vội.

Tiếng yêu nào tan ra thành kí ức
Nước mắt đầu đời đắng ngót cho nhau
Phố giờ gầy, chỉ còn lại khúc hát
Nhấp một hớp đầu tim hóa chơ vơ.

Ngồi đối diện khoảng trống buồn tênh
Tuổi nào vui cho tôi qua một ngày?!


Giờ đọc lại mới thấy hết những hạn chế của mình ngày đó. Nhưng một điểm 10 cho cái gọi là đam mê.

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Tóc chết

                              
   Tôi đã từng có mái tóc đẹp, suôn mượt và đen óng. Nhưng tôi đã cắt đi, sau những nỗi buồn. Má không hề la tôi, không một lời nào cả, dù trước khi cắt tóc tôi đã đắn đo với ánh nhìn của má. Tôi biết, đôi tay má không phải dùng để chải tóc cho con gái yêu của mình mỗi sáng. Đôi tay má, gân guốc, xám đen. Cả một đời đôi tay ấy đã làm biết bao nhiêu việc để nuôi no cuộc đời. Tôi cũng tự ý thức được mình không phải là tiểu thư. Cứ vậy, tôi an nhiên cắt tóc, và má chẳng quan tâm. Đôi lúc tôi giận má, sao má không la tôi, sao má không quan tâm đến tuổi mới lớn của tôi. Đến lớp 11, mái tóc tôi đã cũn cỡn.
                     

   Tôi đã bôi một thứ dung dịch lên mái tóc, ngồi hàng giờ để người ta biến mái tóc của tôi thành tóc chết. Từng sợi tóc của tôi được kéo thẳng ra, tỉa tếm để trở thành so le, mái trước phủ che trán. Thực chất những sợi tóc ấy đã chết rồi. Tôi thực sự quên mái tóc mình ngày xưa, giờ tôi cũng chẳng mấy dằn vặt sau mỗi lần cắt tóc.
   Ngày tôi yêu anh, tôi chợt nhận ra tóc mình đã ngắn trên vai. Tôi quên hẳn việc mua những chiếc kẹp tóc, thói quen mà đứa con gái nào cũng có. Anh thích những mái tóc dài, tôi cũng thích, và tôi quyết định nuôi mái tóc chết ấy dài ra. Hôm nay, một ngày không còn anh bên tôi nữa, tôi đưa đôi tay luồng vào kẽ tóc đã dài quá vai, một cảm giác nặng lòng ùa vào tôi. Những ngày tôi bên anh, tôi mặc định cho mình ý nghĩ, rằng,  tóc tôi đẹp nhất trong mắt anh. Ngày xưa, ngày tôi có thể tựa đầu vào vai anh, để mái tóc tung tăn bên anh, tôi thực sự hiểu ý nghĩa của mái tóc. Tuổi mới lớn của tôi đã có lỗi với mái tóc thật nhiều.
   Giờ, mái tóc chuốt của tôi đã thoái hóa, tôi đắng lòng khi nhìn từng sợi lần lượt chẻ ngọn, cháy nắng, bay xao xác trong gió. Tôi sẽ lại cắt tóc, bỏ đi tóc chết khô khốc trên đầu tôi. Tôi chợt nhớ đến má, đến tận bây giờ má vẫn nuôi mái tóc đen dài. Có lẽ, vì một phần tình yêu má dành cho ba.