Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Không là mạng nhện trong xó bếp

    
  
Độ này tôi thường suy nghĩ về những phận người, không nặng nề đến nỗi gọi là niềm trăn trở, nhưng cũng để lại trong tôi một chút nhói lòng.

Tôi viết, cho một khát vọng mang tên khói rạ…
Tôi sinh ra ở một vùng quê có tháng 4 sực mùi rơm rạ và khói đốt đồng, có tháng 10 nước lũ tràn về buồn hơn khóc. Tuổi thơ tôi cháy nắng, lem luốc và bùn đất. Có một điều rất lạ, người dân quê tôi ra đi chẳng mấy ai muốn về. Trẻ con lũ lượt sinh ra, lũ lượt lớn, lũ lượt thôi học, rồi lũ lượt có gia đình ở cái tuổi non trong.
Tuổi thơ của tôi, một buổi đến trường, một buổi về chăn bò như bao đứa trẻ quê khác. Da tôi đen, mái tóc khô vàng vì nắng. Giọt mồ hôi khô cặn đến mặn mòi trên tấm lưng ba những ngày tháng nắng, dấu bùn đất vướng víu nơi gót chân má gần cả đời người. Tất cả, ám ảnh tôi, nuôi những vòng xe đạp của tôi đến trường. Tôi ý thức rõ, mình cần học để xóa vết bùn đất một đời trên phận người của ba má. Ba tôi có một thứ triết lý rất thú vị. Ngày tôi quyết định thôi học, đi làm kiếm tiền như bao đứa khác trong xóm để ba má bớt nhọc nhằn, sẽ là một cuộc Nam tiến, và làm công nhân may chẳng hạn. Trước ngày đi, ba cho tôi quét chuồng heo, ra đồng cào rạ giữa trưa, cắt cỏ, đi nhặt phân bò khô về uông mỗi chiều để bớt muỗi..., tôi thực sự kiệt sức. Ba tôi: “Nếu con nghỉ học, con vào Sài Gòn kiếm tiền như bao đứa khác, thì vài ba năm nữa con cũng sẽ về lại nơi này, con tiếp tục những công việc này, không phải một hai ngày, mà là cả một đời. Con sẽ khổ như ba, như má. Con có thấy gốc rạ hông? Nó đứng khẳng khiu ngoài đồng, giờ thì nó hông còn một chút vài trò gì nữa, dù có một thời gian nó đã biết vắt kiệt mồ hôi ba má. Nhưng ba má cần nó, vì ba má cần phải nuôi mấy đứa tụi con. Con nhìn vào gốc rạ ấy mà biết mình nên làm gì!”. Đại loại là vậy, ba đã răn tôi vào một buổi chiều tôi gánh đầy hai thúng phân bò khô ngoài bãi về. Tôi đã khóc, tôi thấy mình hợp với sách vở hơn. Ba tôi rất hay, ba gọi đó là “triết lí gốc rạ” –  sự màu mè hóa của một lão nông. Tôi thật sự cần nó khi vào đời.
Trong tôi, đứa con gái 19, chưa bao giờ hắt hủi mùi khói rạ, dù thứ mùi đó làm phận đời ba má tôi ố màu già nua. Tôi muốn thoát khỏi nó, nhưng không hẳn là để nó không vị trí trong tôi. Tôi vứt bỏ vẻ quê mùa, ra đời để tìm cho mình một chỗ đứng trong xã hội. Nhưng khi đặt chân về nhà, tôi vẫn nón lá ra đồng cắt cỏ, cào rạ. Vì suy cho cùng tôi đã trưởng thành trong mùi khói ấy, chẳng ai trưởng thành mà không có cái bệ là quá khứ đỡ đầu.
Lũ bạn tôi giờ đã một hai đứa con. Vài nhóc trong xóm mới lớn lên cũng bắt đầu thôi học, rồi chồng vợ, con cái. Nhìn vài đứa em trong xóm ôm con xốc nách gọi tôi “chị Huyên”, chợt nhiên tôi thấy mình nửa trẻ nửa già. Tôi lớn hơn tụi nó vài ba tuổi, nhưng đôi lúc thấy mình như hàng tồn đọng, cứ học mãi, trong khi tụi nó đã nghỉ học vài năm về trước. Đôi lúc tôi lại thấy mình tinh tươm, thơ ngây trước mắt tụi nó quá đỗi. Có lẽ, đó là những phận người, mỗi người mỗi khác, có cuộc đời nào lặp khuôn cuộc đời nào đâu. Tôi đặt một dấu hỏi chấm cho tương lai những đứa bé tụi nó ôm trên tay.
Nếu ba má tôi không suy nghĩ thoáng, nếu tôi không hấp thụ sớm những cuốn sách cũ nhàu của ba. Thì có lẽ, tôi chỉ được học cho biết mặt chữ, rồi cũng thôi học, cũng chồng con. Chẳng khác gì tụi bạn tôi và đám nhóc vừa lớn lên trong xóm, ngựa vẫn đi lại con đường cũ mà thôi. Tôi không chắc rằng mai này mình sẽ có một cuộc sống sung sướng, nhưng hơn điều gì hết, tôi không muốn làm mạng nhện quanh năm trong xó bếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét