Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Mưa

Em sẽ thay theme mưa cho blog anh ạ, ướt át mưa!

Thế là sắp hết mùa đông. Em viết entry này cho một mùa đang đi!

Chưa một mùa đông nào đi qua đời em thanh thản vậy. Nơi này không có mùa đông, em chỉ ưu ái gọi “mùa đông” bằng cách áng chừng: tháng này thuộc về mùa đông! Vậy thôi. Em say lắm thứ mùa đông trong tâm tưởng mình.




Em còn trẻ không? Em hay đặt cho mình câu hỏi ấy. Thật ra, em thừa biết em như thế nào. Nhưng, cái mặt diện của tuổi tác chỉ đủ em ngụy với đời bằng nét mặt. Bế tắc nhất là ở trạng thái trung hòa – vừa muốn thừa nhận, vừa muốn phủ nhận. Rồi, em thấy mình già, không phải vì thời gian.

Em đã đi xa, rời xa hai mùa đông rồi. Không có mùa đông, đời quạnh vắng quá anh ạ. Những ngày mưa trong em, giờ là vũng kí ức, mà hễ nhớ nó lại tràn ra, ứ trong em nỗi đau. Mưa, mưa xối xả. Mưa có gì vui đâu? Vậy mà khối người nhớ. Kì thực, mưa chẳng biết lưu giữ điều gì, thấm ướt hết, rụt mình vào đất hết. Chỉ em, em nhớ nhiều và đa mang quá thôi. Nếu chỉ xem mưa là vài giọt nước rơi lộp độp, thì có lẽ, cuộc đời này nhiều thứ đã giản đơn và thanh thản hơn.




Có những mùa đông đi qua em, toàn mưa và lạnh. Mưa gào thét ngoài hiên, dội cuồng nhiệt trên nền đường, vài giọt lén chảy dài xuống con hẻm đầy rêu vắng teo người qua lại. Mưa làm ẩm mốc bức tường vôi đục, nát rữa chùm hoa sữa lạc loài vì nở muộn, ru những dãy nhà ngủ ngoan… Nhiều lắm, kí ức mưa chất chứa trong em như một thứ nỗi niềm.  Em tập tành cà phê với tuổi 17. Thoáng chốc, em đã 20. Khi tuổi đời qua mau, em bùi ngùi như vừa mất mát! Cà phê là thứ vỗ về con người ta tốt nhất, khi buồn. Điều đó, có lẽ chỉ đúng với em. Nhưng giờ, hàng quán nào cho em về lại cái tuổi ấy?! Hàng quán nào cho em cái thảnh thơi, ngồi khua lanh canh ly cà phê mà không lo nghĩ?! Hay, em giờ sống cho mai sau, cho bộn bề nhiều hơn cho bây giờ?!

Mưa, buồn vậy đó anh ạ, nơi này không có cơn mưa nào tinh khôi cả. Giờ bên em toàn nắng, cùng lắm là những cơn mưa vội vàng, đôi lúc làm em hoảng. Em đã bàng quan, hờ hững khi mùa về.

Anh à! Giờ, bên em toàn nắng, triền miên những nắng. Chiều nay, có cơn mưa nào về bên đời em?!



Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Yêu thương...

Tết này nữa, ba má sang tuổi 60 rồi! Tự dưng chiều này ngủ dậy, nhiều suy nghĩ về ba má.


Chỉ biết một đời ngấu nghiến khổ
Âm thầm hoài như một chiếc lá câm.


Mới ngày nào ngồi sau xe ba, tôi thấy tấm lưng ba vĩ đại nhất, ba che chở cả gia đình. Nhưng, giờ ba gầy đét. Chỉ còn tình thương của ba là vĩ đại với tôi. Thời gian là một thứ công lí công bình nhất, nó bào mòn những cái nó cảm thấy già rồi. Hiển nhiên thôi, và tôi thì buồn lắm! 



Từ ngày ba trồng cây bồ đề trước nhà, tôi biết ba đánh dấu mốc ngày chị Hai theo đường chân tu. Cây bồ đề sắp cổ thụ rồi, ít nhất là cổ thụ trong lòng ba. Hai đi, má hay khóc lúc về chiều. Ba hay nằm gác tay lên trán, kéo những hơi thuốc bổi dài lê thê, trách lơi cái sự đời trần ai làm khổ con người. Hai hi sinh cho gia đình nhiều, đã đến lúc Hai đi theo niềm tin của Hai. 



Đôi lúc chán chê sự đời, lại muốn về ôm lấy tấm lưng má!
Nếu má không hay khóc, thì tôi nghĩ má chưa xế chiều đâu. Vì ở bên nhau, người ta khó nhận ra vết nhăn qua một đêm nó lại dài thêm chút nữa trên khuôn mặt người. Mà, khi người ta hay khóc, hoặc là người ta trẻ dại, hoặc là người ta đã già. Má không trẻ nữa, nghĩa là má già. Má dễ nức nở hơn, nước mắt chảy dài khi Hai đi tu, khi chị Ba không gọi điện thăm má, cả khi thằng cháu ngoại không chịu để má bế...

Đời người, cứ vòng vòng thấy mà buồn!




Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Tui đã đôi mươi!

Thế là mình đã đôi mươi rồi, đã đến cái tuổi mà người ta nhắc đến nhiều nhất trong đời người!



"Hai mươi tuổi, người ta không là đá, nhưng cũng không hoàn toàn là xác thịt. Người ta không thích cái gì người ta khinh".


Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Nỗi buồn rất phố


Tôi thường hay có những nỗi buồn không đâu. Lúc trước, tôi không buồn quanh co, khó hiểu như thế, ngày ấy tôi sống rất rõ ràng. Thiết nghĩ, đó chỉ là đa mang của tuổi mà thôi. Ai lớn lên mà chẳng vài lần buồn tê tái, và muốn gào thét lên thể như thế gian này chỉ mình là buồn nhất. Vài thoáng trong đời, tôi thấy mình cô đơn ghê gớm. Mà nỗi buồn giữa phố bao giờ cũng là khó nói, nó trầm lặng để dần làm người ta ngộ ra nhiều thứ. Thật ra, không phải là đau tan nát, nhưng lại âm ỉ khiến mình hay dằn vặt, hồ nghi. Tôi tạm gọi cảm giác này là nỗi buồn rất phố.

Đôi tay...

Vài thoáng trong đời, tôi thấy mình cô đơn ghê gớm!

Tôi xót xa cho mình. Tôi gầy đi nhiều lắm, nhất là đôi tay. Tôi có đôi tay đẹp, nhỏ nhắn và muốt dài. Lúc trước tôi không để ý rằng đôi tay mình đẹp, tôi chỉ thấy nó quá bé để níu lấy một ai đó. Dường như khi nắm lấy tay ai, đôi tay tôi cũng lọt thỏm trong lòng bàn tay họ. Thế là, tôi có cảm giác chẳng che chở được ai.
Trong tôi tồn tại một ý nghĩ lạ lắm, cứ sáng ra nhìn nắng đổ giòn tan trên mấy tàn cây và trên những khuôn mặt người, tôi tự tin mình có thể sống và chống chế được bất kì nỗi quạnh vắng nào trong đời. Nhưng, cứ về chiều, cũng nhìn vạt nắng ấy và ngần ấy khuôn  mặt lao đi vun vút, tôi lại muốn nương tựa nhiều hơn. Có lẽ, tại màu trời đổi thay chóng vánh. Khi về chiều, nhìn người ta như vàng vọt, úa như màu nắng hoàng hôn. Và thế là, tôi cần một bờ vai hơn là tự siết lấy bờ vai. Đôi lúc, tôi thấy mình như mặc định với guồng quay, tôi có thể tự mình sắp xếp ổn thỏa cuộc sống mà không biết đến mệt nhoài. Nhưng, đời ạ, mỗi buổi sáng trước khi đẩy cánh cửa đi ra ngoài, và mỗi buổi chiều trước khi đẩy cánh cửa trở về, tôi cần một ánh mắt thân yêu nhìn tôi. Những lúc như vậy, tôi đưa đôi tay bé nhỏ tự ôm lấy mình, chạm vào đâu tôi cũng thấy gầy. Ngay cả buổi chiều trong mắt tôi cũng gầy đét - màu nắng hay màu mưa về chiều cũng buồn buồn và nhòa nhạt.


Kén đời và đôi mươi của một đời người…
     
Vài ngày gần đây, tôi hay dằn vặt về kén đời. Cuộc sống này, vật vã với lo toan bao nhiêu, rốt cuộc cũng chỉ để xây cái kén đẹp đẽ cho đời mình, dù đời cũng chẳng ít người xây kén bằng mộng ảo. Nhiều đêm, nằm úp mặt vào bóng tối, nghe hơi thở mình hổn hển trong đêm, dẫu trằn trọc nhưng tôi được sống phận đời an phận. Cứ vậy, nghĩ mà thương những ai thuộc về mưa nắng, gốc rạ, triền đê... với một kén đời lam lũ. Hôm nay, phố có mưa, chỉ chút ít thôi, ấy vậy mà phố chiều tất bật lạ lùng. Khi mưa xuống, ai cũng nhiều nghĩ suy, dù bâng quơ hay là chính đáng. Nhìn chừng ấy mặt người cuộn vào phố, tôi thấy rã rời và ngán ngẩm. Phố mà, những khuôn mặt của phố bao giờ chẳng bàng quan, họ bận đi xây kén đời. Cuộc sống, ai chẳng cần mưu cầu cho mình ít nhất một điều mong muốn. Thế là, phải vội vã, để đạt được và sinh tồn. 
Tôi cũng đang xây kén cho tuổi đôi mươi sắp tới của tôi. Tôi thích nghĩ về tuổi đôi mươi của một đời người, suy nghĩ ấy không lướt thướt qua nhanh trong đầu như ngày tôi sang tuổi 18. Dường như, khi đến tuổi này, đứa con gái nào cũng xem là một quãng đời yêu thương nhất. Như má, má vẫn hay nhắc về tuổi đôi mươi. Thanh xuân của má tươi trẻ và nhiệt thành, đến cuối đời nhắc lại, má vẫn thấy nồng nàn thể như vừa bắt đầu. Chất giọng đậm đà sương gió của người đã xế chiều, nói về tuổi đôi mươi nghe buồn miên man. Mà đúng thôi, hai mươi của một đời người, đủ thấm thía để nhớ dài lâu. 
Đôi mươi của tôi sẽ là những chuyến đi...

Cho những gì tinh tinh nhất cả tuần nay!




Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Như một con sông

  Tôi thường không đứng lâu trước những bãi bồi, bởi nhìn bãi bồi tôi buồn rất nhiều. Tôi không gắn bó với sông, không thực sự hiểu về sông sâu sắc. Nhưng với tôi, màu nước sông nào cũng có nỗi niềm riêng, lặng lờ đổi màu qua hai mùa lênh đênh và ráo cạn. Tôi thương những bãi bồi, nó như bồi đắp cho tôi thêm một bước nữa dưới chân, nghĩa là một cảm giác không mất mát. Nhưng, để có một bãi bồi ở bên này sông, thì da thịt đất bên kia phải oằn mình chạy theo nước, để cuối nguồn có một bãi bồi tốt tươi, hẳn đầu nguồn đã đau nhiều lắm. Và thế là, tôi nghĩ đến những phận người. Năm tháng qua đi, cũng cuốn đi và bồi đắp như sông thôi, có những niềm vui đầy đặn như bãi bồi, nhưng trước đó cũng đau thương tràn lấp.

Tôi thường ví phận người buồn như những phiến lá, cũng xanh, cũng úa, cũng về thiên thu. Nhưng giờ tôi nghĩ, phiến lá không buồn bằng sông đâu, sông dằng dặc và ủ ê nhiều nỗi niềm lắm. Một con sông có thể hiểu và mang theo nhiều phận lá, nhưng một chiếc lá chỉ có thể hiểu một khúc sông.

Thời điểm này, mọi dòng sông trên đất nước đang độ lênh đênh, tôi thấy nhớ bờ bãi da diết. Tôi thuộc về bờ bãi - điều mà trước khi khăn gói vào đời tôi khước từ như một nỗi ám ảnh. Thật ra, đôi lúc sống không phải để thấy mình phi thường, mà quên mất cách sống cho cái mình yêu thích hơn. Sống để bắt kịp nhịp đời vồn vã ngoài kia, đôi lúc quên mất cách sống bắt kịp con người mình. Rồi một ngày, vào một buổi chiều muộn chẳng hạn, chợt nhận ra mình khác xưa nhiều quá. Hôm qua như bên lở của con sông, nước cuốn phăng đi không thương tiếc. Hôm nay như bên bồi, đắp nên một phần đời cuồng quay, vội vã. Đôi lúc, tôi thích ngắm dòng người ồ ạt mỗi buổi chiều khi tan tầm, họ vội  về với nơi cần họ và họ cần. Tôi thấy họ như thủy triều của một con sông lên và xuống, sáng ra họ rời mái ấm bắt đầu công việc, chiều lại về với nơi yêu thương của họ. Chợt nhiên, tôi cảm được lâu lắm rồi mình không có cái cảm giác về với mái ấm mỗi buổi chiều, tôi như con nước đi lạc. Cứ về chiều, tôi thấy thương tôi lắm. Và thương những con người xa quê như tôi.

Tôi nghĩ đến ba má tôi, những người cả đời mang dáng hình thuộc về bờ bãi, khoai sắn, mưa nắng tháng năm… Ba tôi, quanh năm quanh quẩn ruộng vườn. Miệt đôi chân trên triền đê theo đàn bò, cỏ may khâu kín gấu quần. Khi lũ kiến đất còn mê mấy củ khoai dưới góc nhà bếp, thì trời còn nắng dữ, ba vẫn mồ hôi ướt áo ngoài đồng. Ba tôi lam lũ, đôi tay gầy gò, đôi chân bám phèn, nhấp rượu vào lại nói chuyện đời nghe đắng lòng mà chí lí đến muốn khóc. Má tôi, giữa một góc phố bon chen, đôi lúc vẫn hay: “Nhớ ruộng vườn, triền đê, cỏ cháy trên đồi quá!”, rồi thở dài nhìn năm tháng lướt thướt trôi mau. Ba má tôi cũng như sông thôi, như bên lở của dòng sông vậy – lở dần tuổi trẻ, phai dần mái đầu, cạn cùng sức lực. Duy chỉ để bồi cho chúng tôi khát vọng, mái đầu xanh. Mà, con nước của dòng sông nào dù yêu thương bờ nhiều vô tận thì rốt cuộc cũng về với biển. Đời người, cũng giống sông chỗ ấy, giống lắm. Khi tôi ngộ ra điều này, tôi muốn ôm lấy dòng sông của đời tôi mà giữ. Dù biết rằng cái gì cũng có quy luật, không gì là mãi mãi.

Nếu đứng ở một khúc nào đó của con sông, tôi sẽ trông về hai bên bồi và lở.


Cho một ngày nhiều suy nghĩ về sông!


          
     

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Cuồng quay

Sắp hết tháng mười, tôi vẫn chưa làm được điều gì đặc biệt. Trong tôi, hãy không có khát vọng, không điểm đích thì tôi sống loay hoay lắm. Tôi luôn hoạch định ra những lối đi, chưa hoàn thành xong tôi không cho phép mình an phận. Độ này, tôi cuồng quay vào sách vở (lẽ dĩ nhiên), với những ngả phố, và những căn bệnh phải điều trị dài lâu vừa ập đến ở cuối tuổi 19 của tôi. Tôi làm thơ khó khăn hơn, dễ hiểu bởi đầu óc tôi không còn thảnh thơi nữa. Mà, tôi không thuộc về thơ đâu. Tôi muốn có khát vọng trở lại với viết lách, muốn lắm lắm! Tôi cũng muốn có niềm tin trở lại với những khuôn mặt quen. Nhưng thôi, tôi tập phủ định sự vẹn nguyên để nó méo mó một xíu, mai này mình sẽ thôi bất an (một số trường hợp thôi).

Anh K.G hỏi tôi đọc nhiều không, đọc những gì?! Tôi chợt nhớ ra lâu rồi tôi không đọc cái gì thật sự làm tôi nhớ, mà tôi vốn đọc rất ít. Tôi vẫn đi nhà sách một mình, vẫn những cái tên tác giả quen, những tác phẩm buồn, những tuổi trẻ chênh chao. Tôi không bỏ thói quen tìm ra những điều hay hay trong những cuốn sách, nhưng, đã lâu rất lâu rồi tôi không nước mắt chảy dài quyết sống quyết chết với chân lí mình tìm ra. Tôi, cạn khô một khúc lòng.

"Người ta buồn nhất, cô đơn nhất là khi ngủ dậy. Và khi ngoài trời đang nắng ráo mà không biết đi đâu, về đâu" - 17 của tôi đã từng khóc nấc, một hai sùng bái câu này. Vậy mà, từ bao giờ tôi đã quên nó. Hôm nay nhớ lại, thấy những ngày đã qua chỉ như sỏi dưới gót giày, nhưng nó biết nhắc nhở và va chạm vào tâm thức ghê gớm.

Tôi nhớ tới nhân vật Rhayader - con người của khát vọng tuổi trẻ ở một vùng đầm lầy. Những câu chuyện có cái chết thường buồn, nhất là cái chết với hình ảnh mơ hồ. Những tôi hài lòng lắm, ít ra họ đã sống khát vọng và hi sinh.

Cuộc sống cuồng quay, đôi lúc tôi sống chỉ để bắt kịp, quên mất cách sống cho niềm tin kiên cố một thời (với thơ chẳng hạn).


Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Gió


Một chút linh tinh về gió!


Thức dậy sau một giấc ngủ dài, uể oải và biếng lười đứng dậy. Tôi nằm choài người nghe cơn gió lục lọi đám lá khua trên mái tôn. Chốc lát lại có một vài chiếc ùa xuống thềm, rồi theo gió chạy là là trên mặt đất, chẳng biết chúng về đâu, nhưng phận lá trông cũng buồn da diết. Tôi nghĩ về một mùa ủ dột, bốc mùi ẩm mốc, và lạnh. Tôi chênh chao giữa sự biếng lười và cú chống tay đứng dậy bắt đầu công việc. Một cảm giác nhớ, quên, và cần một điều gì đó trỗi lên trong đầu. Khi ngủ dậy, đôi lúc người ta mất phương hướng. Cứ ngỡ mình mới bắt đầu, cũng ngỡ là đã kết thúc, chỉ còn một sự hoang mang tột độ. Thể như, “người ta buồn nhất, cô đơn nhất là khi ngủ dậy”. Thế là, tôi nhớ đến nhiều thứ, đôi lúc nhớ cũng làm tâm trí mình hạnh phúc lạ lùng.


Tôi vẫn nghe gió rúc hoài trên mái tôn, phiêu qua đám lá mục nằm lâu ngày trên ấy, gợi tôi một nỗi nhớ gió mùa. Gió nơi này, kiệm quá, chỉ thổi ủ ê đủ để buồn. Tôi nhớ đến những cơn gió phóng khoáng quê mình, dù đôi lúc thổi vanh vách như vắt kiệt sức mình mà thổi. Thối rát cả làn da, cứ gồng mình lên làm từng cơn xao xác như chẳng thương tiếc. Tháng này, mưa bão lại về, lại một mùa cuốn đi và bồi đắp. Tôi thương ba tôi một mình đi qua mùa gió nổi. Ba tôi gầy, sự gầy gò trầm lắng và khắc khổ. Nhưng với tôi, đó là sự bình yên vô ngôn của một dáng vẻ. Gió về, ba lại gầy thêm, hàng cây trước nhà cũng ra vẻ gầy guộc. Những chiếc lá theo gió ùa vào chân tường, nằm đó và mục dần, bốc lên thứ mùi ủ dột đặc trưng đến độ nhớ thôi cũng làm tôi man mác. Quê tôi mùa gió bấc mọi thứ như đượm buồn.

Tôi thường thích đặt tên cho kí ức, bằng những cái tên riêng tôi hiểu. Miễn có thể nhắc tôi nhớ một thời đi qua và trỗi dậy âm ỉ một góc lòng là được. Mà sáng nay,  buổi sáng đục ngầu thế này thì nhớ tháng mười lắm. Tháng mười ở quê thì chẳng có gì nhức nhối, ám ảnh bằng mùi gốc rạ mục. Nó víu lấy tiềm thức tôi, một thứ mùi ngai ngái theo gió thoảng lên từng đợt rùng mình. Tôi sợ thứ mùi này,sợ đến độ khi tôi 18, tôi chẳng còn dắt lũ bò đi qua cánh đồng toàn mùi gốc rạ mục nước bốc chua ngòm, nhưng trong tôi vẫn nhớ về nó với những buổi chiều trời ít nắng. Nói chung, nhớ và buồn, nhưng hài lòng với những gì đi qua.

Khi một mình trước những cơn gió mơn man, hoặc rộng hơn là một hiện tượng thiên nhiên nào đó bao la hơn bản thân mình (mưa, hoàng hôn chẳng hạn), người ta lại có cảm giác muốn nông nổi, muốn có những dấu yêu. Cuộc sống mặc định tôi giữa những dự định, trách nhiệm dù muốn hay không cũng phải hoàn thành nó trong cuộc đời này. Nhưng đôi lúc, tôi lại muốn đi xa. Vác balo đi đến một nơi khác để thấy trong tim mình đong đầy tuổi trẻ - dám thênh thang, lang bạt một lần trong đời như gió.

Nhớ da diết một thành phố nhiều gió!

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

!

Một sự hoang mang kéo dài trong tôi. Thực sự là lớn rồi, không còn thời gian nấn ná cho một sự thử sức nào cả. Mà, tôi giờ thích sự vắng lặng lắm, tôi hay mơ về tuổi 22 với những giờ lên lớp cầm tay mấy bé tập viết chữ cái, giải những bài toán con con. Sẽ sống bình thường vùng tỉnh lẻ. Tôi nghĩ nhiều về ba má tôi, khổ một đời rồi. Tôi nghĩ về con bé hàng xóm, quẹt nước mắt ngày tôi đi. Tôi muốn cháy lên trong con bé sự khát vọng như từng cháy trong tôi ngày xưa lắc xưa lơ cũ.
Tôi sẽ học xong đại học, sẽ về quê tìm một công việc bình thường, giản dị vừa với năng lực của tôi. Ba tôi sẽ hài lòng với đứa con út hay ho hen, đau ốm của ba (mà, tôi biết ba luôn ủng hộ tôi, ánh mắt ba không cho tôi làm một điều gì quá đáng). Má cũng sẽ hài lòng với cách an phận đó của tôi, tôi sẽ không đòi đi tu theo chị Tư, chị Hai tôi nữa. Ngày Hai đi, ba má khóc ròng. Tôi thản nhiên: đó cũng là con đường. Nhưng từ ngày đó, tôi bắt đầu có những nỗi buồn ghê gớm. Chị Tư ăn chay, giọng kinh lăng nghiêm âm ỉ. Tôi cũng gọi đó là con đường. Đôi lúc, tôi thấy con đường chị em tôi đi thật nhọc nhằn, bao bọc, tránh né ánh mắt nhường nhịn nhau để dắt díu nhau đi từ giai đoạn khó khăn này đến giai đoạn khác. Tôi tự hào về ba má tôi, nuôi con bằng đôi tay, ánh mắt, tấm lòng. Không đòi hỏi, không áp đặt, không kì vọng nặng nề, không ca thán tình thương bằng câu từ ướt át. Không gì bình yên bằng ánh mắt gầy gầy những hôm dậy sớm và dáng hình tảo tần cuối ngày của ba má tôi. 
Thèm ăn cơm ba nấu!

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Phố tháng mười



Rồi đây phố sẽ mưa
Mưa tầm tã như tháng Mười xa xưa năm đó
Đôi lúc nhớ những con đường sâu hút mùa giông gió
Và đêm mơ nụ hôn thời nghêu ngao guitar, cà phê và góc phố.

Phố tháng Mười…
Những phiến lá buồn như phận người
Anh mang kỉ niệm về những buổi chiều mưa vùi vào kí ức nhau
Tôi vẫn hay nghĩ về gã trai bụi bặm và điều Jazz nồng nàn bên đường phố
Chiếc ghế đá cuối con đường có cô gái ngồi tựa vai chàng trai mà khóc
Hình như đã biết đau
Những cặp đang yêu không còn xe đạp đèo nhau qua con đường thênh thang lá đổ
Hay khi kết thúc một cuộc tình tôi ngại nhận diện những tình yêu.

Phố tháng Mười…
Tách cà phê bốc hơi hình phố đắng
(Bởi ngày xưa và bây giờ cà phê với phố đều đắng ngót đầu môi)
Có về lại qua phố cũng chỉ cười đau và nhớ
Cuối tháng này có lẽ lại đi xa.

Phố có trẻ như những giấc mơ tôi
Trẻ như tình yêu chưa nụ hôn, chưa bao giờ nước mắt
Phố có gầy như tháng Mười đi qua mùa lũ
Như tôi vai gầy tự vào phố soi lại vết tình đau?


Viết bài thơ này mà nhớ mùa đông năm 2008 quằn quại. Thời mới bắt đầu vào đời bao giờ cũng buồn nhiều, vui nhiều, nhớ nhiều!

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Trước khi tuổi trẻ đi qua...

Trước khi tuổi trẻ đi qua, tôi phải nhắc đến nhiều dữ liệu trong đời mình...

Khi không, nhớ mưa miền Trung quằn quại. Thèm được ngồi xoay xoay ly nâu những ngày mưa vồn vã. Về quê ngắm mưa mùa này đâu khó khăn gì, nhưng khi cái đầu đã nhiều lo toan, thì ánh nhìn có bao giờ an nhiên trở lại. Giờ nhìn mưa chắc chỉ có buồn và nhớ. Mà, tôi đâu còn tuổi 16, 17 để xúng xính ô tím đi loanh quanh qua ngã tư thị trấn thưa người với con bạn chí cốt như ngày xưa. Ngồi lại nơi đó, nhìn tụi học trò túa ra bốn ngã đường lúc tan tầm chắc lòng mình đau lắm, qua cái thời của tôi rồi, thời gian là một tay đua vô cùng lão luyện. Lúc này quá bận rộn, cái đầu cứ ngồn ngộn những nghĩ suy. Thể như chỉ cần tôi chững lại một xíu thôi, có thể tôi sẽ là người đến sau, người ở lại và không chừng là thất bại. Tôi cũng áng chừng rằng, chắc gì những thứ yêu dấu ngày đó vẫn còn, chắc gì những đứa bạn tôi nhớ đến mưa quê mình. Thế là nhớ thôi, nhớ thật nhiều. Những kẻ chung thủy với kí ức thường là buồn, dù kí ức ấy có vui đi chăng nữa.



Tôi từng sợ những cơn mưa mùa đông miền mình. Mỗi độ này, những cơn ho cứ chực gió đông bắc tràn về lại vấn lấy tôi, tôi ho hen và gầy ốm suốt mùa. Mùa đông, tôi không đọc được gì đáng nhớ, những cuốn sách đọc dở dang nằm gọn ghẽ nơi kệ sách. Cứ thế, tôi như sống qua quýt cho qua mùa. Đôi lúc, tôi tập vô tâm với những ngày này, nghĩa là không để cho sự quạnh vắng lén vào tôi. Nhưng, cứ qua một ngày với bạn bè, với quán xá, sách vở…tôi lại rụt mình vào sự cô đơn. Tôi đến một vùng đất khác, chạy trốn cơn mưa mùa đông lạnh tê tái của miền Trung. Sài Gòn đón tôi bằng nắng ấm và những cơn mưa bóng mây vội vàng. Đi xa, tôi đã khác, thiếu mùa đông tôi lại thấy mình nghèo. Thế là tôi lại nhớ mùa đông thật nhiều. Tôi nhận ra, những gì đã thuộc về kí ức, dù êm đềm hay đau thương cũng phải nhắc đến nó vài lần trong đời, bởi ghét hay thương gì đi nữa thì nó cũng là phần đời phía trước của mình. Đời, có cái gì dễ quên đâu?

Khi bạn còn trẻ và khỏe mạnh, bạn có thể lên kế hoạch tự vẫn vào thứ hai và chỉ cần qua thứ tư là bạn lại cười vang vui vẻ trở lại”- Marilyn Monroe. Với mưa miền Trung, tôi là kiểu người này, không kiên định (tuổi trẻ thường vậy). Tôi còn thanh xuân, còn khỏe. Tôi chạy trốn mùa đông, rồi lại cần và nhớ nó. Mà, những thứ thuộc về cảm giác thì rất khó đo lường hay nói trước.

Mưa chạng vạng Sài Gòn cũng lắm hôm lạnh run người.
    
    


Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Mệt mỏi

Tôi mang khuôn mặt mệt mỏi về phòng trọ. Cơn mưa đổ xối xả làm tôi nhếch nhác, ngồi thu lu trong căn phòng nhỏ, tôi nghĩ, tuổi trẻ là những vết màu tối, tối như màu da trời lúc đổ mưa. Con hẻm đi vào phòng trọ không dài, nhưng buồn lạ lùng. Tôi chán thở, chán bấu víu lấy mọi điều gì, kể cả tương lai tươi đẹp. Đã rất nhiều lần tôi như vậy.


Mai này xa thời sinh viên, có lẽ nhớ quằn quại con hẻm này, nhất là khi mưa!


Tôi gầy quá, xanh xao như vừa đi qua bão. Tôi bé nhỏ khủng khiếp những lúc này. Thế mà, trời vẫn mưa, tôi nhòa nhạt, tan ra như mưa. Chết, tôi thường hay nói đến đều này khi mệt. Nhưng, tôi lại tin trên đời này có linh hồn, linh hồn dù có bị trăm ngàn vết thương cũng không chết được. Và tôi vẫn sống, cứ nối dài trạng thái này khi mình đang tuổi trẻ. Nhìn ông lão hát rong đi ngang qua, tôi nhớ cái trũng mắt sâu hoắm của ba ghê gớm. Nấu ít nước cho một ly cà phê, Mười Chín trong đời, giờ mới nhận ra cà phê đắng điếng môi. Nếu, ba tôi biết trong tôi luôn có những suy nghĩ phức tạp, hẳn ông sẽ buồn lắm. Tôi giống ba, hay buồn.
Tôi nhớ lại giấc mơ đêm trước, tôi thấy mình đơn độc, chỉ tôi với khói cà phê, hủ màu nước và cái balo.  Mơ hồ khủng khiếp. Tôi lôi mình về với thực tại, thời khóa biểu với những tiểu luận, những buổi lên giảng đường.
Ăn một chút bánh mà không trôi qua nổi cuống họng.

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Nỗi nhớ mùa đông


Muốn nghe bản này...




Muốn ngồi xoay xoay li nâu với những đứa bạn ngày xưa giữa phố miền Trung của mình...



Muốn măm măm món này với C-7...



Muốn như thế này khi mùa đông đến...



Muốn vẽ một cái gì đó cho mình khủng khiếp...


Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Tôi về phố tôi



     Long lanh phố Sài Gòn…

    Tôi nhận ra, Sài Gòn không phải là nơi kéo dài những mộng mị trong tôi, mà là dập tắt nó và khoanh vùng tôi trong ý nghĩ: phải sống mạnh mẽ. Sài Gòn tập cho tôi cách sống đa mang và dằn vặt, ngay cả những điều mà tôi tưởng chừng chẳng xứng đáng đứng ở một góc tim tôi. Nhưng, rồi mọi thứ vẫn tồn tại, nằm đó và vắt kiệt sức tôi những đêm khuya thức trắng. Tôi cũng dễ nhận ra, khi trọ mái phố này, tôi biếng lười nói lời yêu thương hơn ngày xưa, dù tôi còn yêu thương rất nhiều.
     Những khắc khoải có làm tôi trầm buồn hơn, thì tôi vẫn thấy Sài Gòn long lanh và đẹp. Bởi không phải mảnh đất nào cũng nuôi hoài trong con người ta một ý nghĩ như nhau. Sài Gòn, những đêm nằm nghe cơn gió hiếm hoi lùa qua con hẻm vắng, chợt thấy mình như đang mồ côi, cũng chợt ý thức về những mưu cầu của mình khi đến đây. Chiều, thành phố lên đèn trang hoàng, má tôi cầm cục vé số đi mòn gót dép, lầm lũi nuôi những ước mơ tôi. Dáng vẻ nông thôn của má như nghịch với phố xá, đèn màu. Nhưng, cuộc sống là vậy. Cũng như cuộc đời này mà thôi, chẳng có điều gì tuyệt đối cả, có người khóc thì phải có cười, miễn chẳng ai khóc quá lâu và chẳng ai cười lâu quá. Sài Gòn, có tôi ngồi ở góc quán cà phê vắng chỉ để đợi nụ cười những đứa bạn thân, rồi kể nhau nghe những nỗi niềm từ quê về phố - đứa nào cũng nao nao buồn, cũng bùn đất nhưng tràn đầy khát vọng.

     Phố anh…

Những ngày vui...

     Phố anh mùa này có lẽ cũng thông thốc gió như phố tôi. Nhiều con đường ngắn chạy xô về phía biển, tôi thường không có cảm tình với những con đường quá ngắn, chúng không đủ dài để nuôi trong tôi sự thênh thang. Trên đường đời, khi kết thúc một chặng đường, hẳn đêm đến sẽ trằn trọc về những gì đã đi qua. Nhưng đi trên đường phố anh, tôi chưa kịp thuộc hết tên, chưa kịp suy nghĩ vẩn vơ thì đã kết thúc. Tôi nuối tiếc rất nhiều. Dù gì đi nữa, phố có tình yêu tôi bao giờ cũng đẹp. Bởi dù ngắn hay dài thì rốt cuộc con đường nào cũng phải đi đến cuối, chẳng có con đường nào bất tận. Nếu như phố núi tươi đẹp và ắp mùi cao nguyên, thì phố biển của anh nồng nàn gió và thoát bay.

     Phố tôi…

     Mùa này, phố tôi đã bắt đầu vào thu. Mùa thu không rõ ràng lắm, nhưng đủ cảm được khi mây về nhiều và nắng bắt đầu yếu ớt. Những đứa bạn tôi không về nữa, mang tuổi trẻ đi xa phố rồi. Không biết mai này có còn đứa nào về để kề vai bá cổ nhau và nghĩ “phố mình là lớn nhất” như ngày xưa. Có lẽ đi xa, phố tôi không còn là nơi rộng lớn trong đầu mỗi đứa. Tôi cũng vậy thôi, chợt nhiên tôi thấy phố mình gầy và thưa vắng lạ. Khi đôi chân đi đến vùng đất khác, thì cái đầu cũng suy nghĩ khác đi.Thế là phố trong tôi không vồn vã nụ cười xưa. Bây giờ, nhìn phố tôi buồn nhiều. Phố tỉnh lẻ là thế, đôi lúc tôi có cảm giác, chỉ có gió và nắng là chung tình với phố mình. Tôi và những đứa bạn tôi, cứ khoác áo đi xa mãi. Rồi khi đau thương tràn đầy thì quay về thủ thỉ với nhau “Phố mình bình yên quá!”, rồi lại vác balo nghêu ngao đi tiếp. Khi không, đứng trước phố tôi lại khóc, dù kí ức về phố đầy ắp những dấu yêu trong tôi. Cuộc đời này, đôi khi nghịch lý vậy. Có khi người ta trải qua vô vàn sóng gió, họ mạnh mẽ đến độ không bật thành tiếng khóc. Nhưng lại nước mắt lưng tròng khi ăn phải trái ớt cỏn con. Như nhân vật Nhĩ trong Bến quê vậy, tuổi trẻ “đã từng đi không sót một xó xỉnh nào trên trái đất”, cuối đời lại về dằn vặt với một khúc sông quê.




     “Phố có trẻ như những giấc mơ tôi
     Trẻ như tình yêu chưa nụ hôn, chưa bao giờ nước mắt
     Phố có gầy như tháng Mười đi qua mùa lũ
     Như tôi vai gầy tựa vào phố soi lại vết tình đau?"

    Nếu Hà Nội cổ kính, Sài Gòn tươi trẻ khi có mưa. Thì phố tôi thật hiền và tội nghiệp những mùa giông gió. Khi đi xa, tôi nhớ da diết tách cà phê tháng Mười nhấp vồ vập mà vẫn lạnh môi, nhớ bầu trời xanh khi phố vừa qua cơn bão. Rồi tôi sẽ về phố tôi, an nhiên như ngày xưa khờ dại tin rằng, xa phố mình chết mất.

Phố thương, 26.8.2012
    

    
    

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Những vòng ôm



       
    Sau một tuần mê mẩn chuyện tình của Joe và Ann, tôi dằn vặt về vòng ôm một cách khủng khiếp. Đơn giản chỉ là một đôi tay, siết lấy một bờ vai hay một tấm lưng. Ấy vậy mà tôi lại có cảm tình và ưa suy nghĩ về nó lạ lùng.


    

     Tình yêu của tôi

     Joe dành cho Ann những vòng ôm không vụ lợi, vượt lên trên hết đó là tình yêu ngầm mà Joe không dám gọi thành tên. Khi họ cho nhau những vòng ôm cuối cùng để kết thúc một tình yêu tuyệt vọng, họ đau tan nát. Tôi nghĩ, đôi khi ôm một người không phải để bên nhau mà là để xa nhau mãi mãi. Vòng ôm lắm lúc cũng khiến con người ta đau lòng, dù biết mình thừa chân thành dành cho nó. Cứ thế, tôi thường ám ảnh với những chuyện tình không thể nào đi đến cuối. Tình yêu của tôi ít bão nổi và đằm lắm! Nghĩa là chúng tôi yêu nhau một cách lặng lẽ và hưởng thụ hạnh phúc cũng lặng lẽ tương đương. Những lúc bên nhau, tôi thích ngồi sau xe và ôm anh thật chặt, đứng trước biển để thấy lạnh và cần anh siết lấy bờ vai. Khi chúng tôi xa nhau, bắt đầu một tình yêu trong tâm tưởng bởi khoảng cách địa lí, tôi thường sợ những vòng ôm, dù chỉ là cái siết thật mạnh vài phút thôi là kết thúc. Bởi, vòng ôm cũng biết gây nhiều vấn vương và hành hạ kí ức tôi.

     Q.

     Tôi lại lặp lại điều tôi muốn nói với Q., rằng, trong những đứa bạn thân yêu của tôi, tôi luôn cảm thấy được che chở khi ngồi sau xe Q. Công bình mà nói, chúng tôi là những đứa bạn không hẹn mà gặp, rồi thân nhau da diết. Bởi thế, Q. không có trách nhiệm gì phải che chở tôi, trong ý niệm tôi và Q. cũng không tồn tại điều đó. Nhưng, ngồi sau xe Q., tôi lại thích co ro, thích nheo mắt mỗi lúc đi ngược chiều nắng gió, ôm nhỏ một vòng tràn đầy rồi cười hí hửng. Có lẽ, đó hạnh phúc của tình bạn. Nhỏ thường bảo, đôi tay tôi quá nhỏ bé, mỏng manh một cách yếu ớt. Những lúc mệt lã trong chuyến đi dài, tôi thường tựa đầu trên vai Q., ôm chặt lấy nhỏ. Đôi lúc tôi nghĩ: đôi tay quá bé, có đủ cho người khác một vòng ôm thật đầy? Tôi không tự tin níu kéo ai bằng những vòng ôm, dù tôi yêu thương họ lắm lắm. Khi những dấu yêu đi qua tôi, tôi thường đặt câu hỏi cho mình: “Vì tôi bất cần họ, hay đôi tay tôi quá bé để níu giữ họ ở lại?”. Liệu Q. có thấy ấm khi tôi ngồi phía sau, ôm nhỏ thật chặt phía trước, và lắc lư cười phía trên đôi vai của nhỏ?



 Q.