Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Hoài niệm hay chạy trốn?

      Bỏ rơi thời ngốc xít, thời gian rủ tôi bước vào tuổi mới lớn, vô tư và trỗi dậy những xáo động đầu đời. Một cái vuốt tóc, một nụ cười đủ để thấy mình thanh xuân, đủ để đỏng đảnh và không chừng cũng đủ để làm ai đó một lần nhớ.
   Và rồi yêu - đã hơn một lần tôi định nghĩa tình yêu bằng ý nghĩ non nớt của tuổi mười tám. Là nụ hôn, bờ môi, mắt ướt, mi cay? Là tóc dài dỗi hờn tóc ngắn trong cái hẹn vụng về? Là nắm tay nhau đi trong mùa thu lá đổ lãng mạn như một tình khúc nào đó? Hay là một lá thư nhòe chữ tím rụt rè trao nhau?... Ừ! Nếu vậy thì đẹp biết bao. Nhưng không! Tình yêu còn là nước mắt, chát đắng, lặng lẽ, đau thương... Tự hỏi: "Tình yêu tuổi học trò hồn nhiên, thơ ngây, không đau thương và vết xước?". Rồi tìm ra cho mình câu trả lời: "Tình yêu tuổi nào cũng từ con tim, con tim tuổi nào cũng có thể bị tổn thương và tổn thương tuổi nào cũng có thể để lại một vết xước".
   Cũng đã hơn một lần tôi nghĩ đến những ngả rẽ. Lớn rồi, lớn thật rồi. Cuộc sống cần thay đổi và đi về nhiều phía để làm phong phú dòng đời, để cắt nghĩa vẹn nguyên từ "cuộc sống". Chia tay thời "cởi trần tắm mưa" cũng là lúc những đứa bạn có thể gọi là "chiến hữu" của tôi chọn những con đường đi khác nhau. Đùng một cái, cả lũ thôi học lao vào khái niệm mới toanh "bon chen", để riêng tôi ở lại. Đùng một cái, mái tóc đen óng, buộc thành đuôi gà ngày xưa của nhỏ bạn thân trở thành sợi ngắn sợi dài, sợi xanh sợi đỏ. Cũng đùng một cái, nhỏ bạn trao tôi cánh thiệp hồng mời đám cưới nhỏ ở cái tuổi mười tám... Tất cả đã xoay chuyển về những phía khác nhau. Đơn giản, đó là "cuộc sống".
Và rồi mệt - cũng đã hơn một lần tôi cảm được sự mệt nhoài trước những chuyển biến của tâm hồn và cả choáng váng bởi "lý sự cuộc sống" ấy. Phải chăng tuổi này yếu mềm? Phải chăng tôi chưa đủ sức bứt mình ra khỏi thời bé bỏng? Phải chăng tôi cần điểm vịn? Tôi trở nên là người sống nghiêng về quá khứ, mải mê hoài niệm và quên đi thực tại. Tôi chẳng dám nghĩ đến tương lai bởi sợ sự xáo trộn, sợ những chuyển biến ập đến và mình không đứng vững. Khi mệt nhoài, tôi về gối đầu lên ký ức để miên man dẫn tâm hồn vào miền hoài niệm. Thời gian cứ trôi, càng hoài niệm tôi như kẻ ở lại. Phải chăng tôi "ngoại tình" với quá khứ? Hay là người chạy trốn tương lai? Tôi hèn nhát và không dám tiến về phía trước? Sợ đau thương, sợ tiếp tục đổ vỡ?
   Và rồi thức tỉnh - đã là mười tám, độ tuổi đủ để xoay chuyển mọi vết xước thành một chân lý sống sau bao lần dụi mắt và gượng cười. "Hoài niệm để chưa thấy mình lớn và cần phải lớn" - tôi nhận ra điều ấy trong một lần đặt tay lên trán. Rồi biết chẳng phải mình say sưa ngày cũ, chẳng phải mình trốn tránh thực tại. Tôi học cách chấp nhận mọi biến đổi của cuộc sống từ ấy. Mọi thứ rồi sẽ dịu vợi, ký ức và thực tại ru tuổi mười tám bình yên, bình... yên.

   Hồi 17 - ngày ngu ngơ như cờ bắp, ngơ ngác như thằng gác đình thiếu thuốc phiện.

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Khóc đêm



                          

 Đêm qua, giấc ngủ của tôi hoang hoải, chụp giựt. Trong giấc ngủ tôi sợ ai đó lấy đi của mình một điều gì đó. Thế là giấc ngủ của tôi đầy ngờ vực và đề phòng. Tôi thức dậy, hai khóe mi níu lại. Thì ra trong giấc ngủ tôi đã khóc.Trưa nay, tôi ngủ - giấc ngủ không lành lặn. Tôi thấy mình tháo chạy về một nơi không có âm thanh, ro rúm trong bóng tối. Chỉ còn tôi ngồi nhâm nhi tiếng khóc ám ảnh của mình. Tôi không hiểu nổi cái quái gì cắt xén giấc ngủ của tôi. Tôi thường khóc khi ngủ, kỳ khôi.

Mấy ngày nay tôi thấy mình hạnh phúc. Nhưng rồi những nỗi bất an ùa về. Hôm rồi tôi đã khóc trên xe bus khi thấy một lão già hì hục lên xe, rồi ngồi run lẫy bẫy, lão già gầy gò, cóp má. Tôi xông xáo đi trên đường Tân Sơn Nhì, một bà lão mời tôi mua vé số, nài nỉ (tại sao lại nài nỉ một con bé sinh viên nhỉ?), tôi từ chối, và rồi khóc. Khóc, đơn giản vì tôi biết ba tôi cũng gầy gò, cóp má như lão già đó, ba đang chống chọi với nỗi cô đơn. Khóc, vì đơn giản tôi hiểu má tôi cũng bán vé số, má sẽ tuyệt vọng với cái lắc đầu của người ta. Rồi bài ca bất an đó cũng thành sự thật, ba tôi bệnh, những hơi thở của ba xiêu vẹo. Má tôi thôi không mời vế số người ta nữa, má về lo cho ba. Chợt nhiên tôi thường khóc đêm như một đứa bé, và thấy đầu óc mình hỗn tạp lúc ngủ trưa. Trong giấc ngủ tôi cứ thấy mình tháo chạy, chạy mãi. Tôi chạy trốn những người già, trốn sự mất mát hiển nhiên. Đó là cảm giác. Dù triết học vẫn cho rằng "thực tiễn bao giờ cũng mạnh hơn cảm giác", tôi vẫn sợ hãi cảm giác của mình.