Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Vết sẹo

Những đứa con gái cùng lứa với tôi đều có những vết sẹo tiêm phòng trên cánh tay, tôi thì không. Có lẽ ngày xưa quá khổ, ba má sinh con ra rồi giao cho trời cho đất, tiêm phòng là một điều xa xỉ.



       
Tôi nhớ, ngày xưa, ngày tôi còn rất nhỏ. Ba má đi đốt than để tôi ở nhà một mình, dù tôi chưa lên 5, cũng có thể chưa lên 4, tôi cũng không nhớ nữa, chỉ nhớ mình chưa được đi học, kí ức của một đứa bé thường lem nhem vậy đó. Ba dặn tôi ở nhà giữ cái đèn pin (ngày đó thắp đèn dầu, đèn pin rất quý), tôi ngoan đến độ đi chơi tôi cũng mang theo, ai thấy tôi cũng cười. Đến tối tôi vẫn chưa thấy ba má về, nhìn đóm lửa đốt than trên núi vẫn cháy, tôi biết, còn lâu ba má mới về. Tôi ôm cái pin ngồi khóc. Con heo đói, nó phá chuồng lên ủi tung nền nhà đất. Ngày nào cũng vậy, tôi có thói quen ngồi đợi ba má, riết rồi tôi sợ những đóm lửa cháy trong đêm. Đến 9h tối ba má mới về với vài đồng tiền bán than cũ nhàu, và một cái bánh mì ngọt cho tôi. Ba má quá khổ, giờ vẫn vậy. Sinh con ra, nuôi con lớn... là một đoạn đường dài nhiều mồ hôi và nước mắt. Chẳng ai hiểu và chịu đựng những đứa con bằng cha mẹ, tôi nhận ra điều đó trong đáy mắt sâu hoắm của ba ngày tôi bắt đầu biết làm thơ.
Tôi ám ảnh với những chuyến đi xa làm ăn của ba, thường là thất bại, và khi về là một khoảng buồn chụp xuống gia đình tôi. Ba tôi, không làm được những việc lớn lao như những người đàn ông khác. Ba im lặng là nhiều, đôi lúc tôi hồ như ba nghĩ rằng người đàn ông thất bại thì không có quyền được nói. Ngày tôi bắt đầu suy nghĩ và nói chuyện cuộc đời, tôi nói với ba "Cuộc đời vòng luẩn quẩn, kiếp luân hồi, rồi lại mưu sinh ba ha!". Vậy mà ba kể tôi nghe Tam quốc chí, rồi nói tôi nghe triết lí con chuột. Ba nói cuộc đời là ở đó. Giờ tôi cũng chẳng hiểu vì sao cuộc đời lại ở đó nữa, chẳng thể. Di một việc tôi hiểu, ba nói chuyện Tam quốc chí rất hay. Má không thích ba như vậy, má nghĩ cuộc đời ba khổ chỉ vì chữ nghĩa nửa mùa.
Tôi không chất chứa chi những chuỗi ngày khổ cực đó thành bãi trong đầu, nhưng nhiều lúc nghĩ lại tôi thấy lòng bong tróc. Vì tôi không phải là người khổ, tôi thương ba má, một đời mặc định mình với những nỗi lo toan.  
Tôi có rất nhiều sẹo, riêng một vết sẹo cần thiết thì tôi lại không. Có lẽ, đó là quy luật bù trừ, rằng, tôi thiếu vết sẹo trên cánh tay, nhưng vết sẹo trong lòng thì luôn hiện hữu. Vết sẹo lòng! Không nặng nề đến độ gọi là nhức buốt, đớn đau này nọ. Đơn giản là một miền dữ liệu chẳng mấy êm đềm, vậy thôi.

3 nhận xét: