Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Một chặng đường

Bốn năm trước...
Bốn năm trước, tôi 18. Đã nhiều lần, tôi phải công nhận rằng, ở tuổi 18 tôi làm được nhiều thứ hơn bây giờ. Ít ra, khi đó tôi có lòng can đảm, có đam mê và biết tạo dựng một vài mối quan hệ khi mình đã yêu thích họ. Ở tuổi đó, tôi đã từng yêu ghê gớm một vài thứ, là yêu kiểu đắm say bất chấp. Có một lần, tôi mê cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, tôi tìm mọi cách để có nó. Tôi đã đọc nó một cách để dành, tôi sợ nó hết, bởi nó hay và ám ảnh đến từng trang. Tôi đọc nó trong tiết thực hành môn Hóa học, thầy bắt được, thu sách và cho lớp con C trong sổ đánh giá tiết học. Sau này, khi học năm ba Đại học, tôi có làm phê bình phân tâm học về tiểu thuyết này, tôi được 9.5 điểm.
Tuổi 18, tôi làm hồ sơ thi Đại học. Bạn bè tôi thi nhiều trường, nhiều ngành triển vọng. Tôi thi sư phạm Địa, không phải tôi học giỏi Địa, mà là tôi thần tượng thầy Tuyết dạy Địa tôi suốt ba năm cấp ba. Tuổi đó, con người ta hay sống cho cái mình thần tượng, bất chấp mọi thứ để được thần tượng và làm theo thần tượng. Đùng một cái, tôi có một thần tượng khác, đó là viết lách. Tôi mua lại hồ sơ để thi vào khoa Văn. Dù là, chỉ sau khi có kết quả đỗ đại học vài tháng, tôi đã hối hận rất nhiều về quyết định học Văn của mình.
Tuổi 18, tôi từng nghĩ và từng rất cố gắng để trở thành một người viết có chút tiếng tăm (khá buồn cười), viết cái gì đó khiến người ta nhơ nhớ đến...
Dù có ngô nghê, nhưng chí ít tuổi đó tôi sống rất ý nghĩa.
Bốn năm sau...
Ở tuổi 22, tôi gần như hết can đảm trong nhiều việc, dù là rất muốn làm. Tôi hay phân vân giữa cái không thích, thích và thích hơn. Sau cùng, tôi lại chọn cái không thích, vì sợ. Tôi sợ người đời nói này nói kia, tôi sợ làm gia đình thất vọng, tuổi đời cũng chẳng cho phép tôi phân nhiều và thất bại nhiều như trước. Tôi phải chọn lối đi thiết thực, gọn ghẽ.
Nếu tuổi 18 tôi từng nghĩ mình sẽ dài hơi trong viết lách, hai năm sau đó thôi, tôi nhận ra: nếu khả năng chỉ có vậy thì đừng cố làm gì, nếu viết bèo nhèo thì thôi gấp. Tôi không muốn làm cái nhảm ruồi. 
Kỳ thực, tôi không có duyên dài lâu với viết lách nhưng tôi không muốn từ bỏ nó. Tôi ra trường, không biết tôi có gắn bó với ngành học mình hay không, nhưng tôi sẽ viết blog thường xuyên để không quên mình từng viết.

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Rồi ai cũng sẽ khác

     A. âm thầm bảo lưu kết quả học để cưới. Trước đó vài tháng, A. chấm dứt một cuộc tình đắng cay, người đó bỏ A. đi. A. không đến lớp dự thi rất nhiều môn, tôi nói với nóː có những chuyện mình nên thương mình nhất. Nó đi thi trở lại, nhưng mái tóc ngang lưng cắt ngắn tận gáy. 
     C. cũng đã thôi học. Tôi không biết nói gì ngoài khóc. Chuyện tương lai của C., tôi không có quyền nói nhiều. Ngày C. thôi học, tôi ôm C. đau đớn đến đến độ bấm ngón tay vào đôi vai gầy của C. rớm máu. Khi tôi còn bé, ba tôi hay nói, đàn ông khóc sẽ không sống được. Tôi lớn rồi, nhưng vẫn muốn tin điều đó. Nơi đáy mắt C. đỏ ngần. Tôi nói với C.ː đàn ông khóc sẽ không sống được. C. cười gượng, cười còn đau hơn khóc. Tôi muốn thấy C. mặc đồng phục của trường. Muốn nhìn cái dáng của C. hí húi làm cho tôi ngôi nhà tăm có gắn bóng điện nhấp nháy. Muốn nghe C. nói tếuː Anh học bắn súng, mai mốt cướp nhà băng lấy tiền nuôi em ăn bánh tráng trộn. 
     Những ngày này, tôi đối diện với nhiều ánh nhìn khinh chê ngành học của tôi. Tôi nghĩ, không ngành học nào đáng chê cả, chẳng qua là cách mình chứng tỏ giá trị ngành học ấy chưa tốt mà thôi. Có những lúc tuyệt vọng, tôi hay nghĩ về khoản tiền gia đình cho và một hướng làm ăn khác. Tôi sẽ mang tấm bằng đại học về muối cùng năm tháng. Tôi sẽ bỏ chữ nghĩa, không đọc, không làm thơ, không bao giờ nhắc đến quá khứ với tuổi 17 biết viết lách. Tôi sẽ quen, yêu và lấy một người hơn tôi nhiều thứ, nhưng thua tôi một tấm bằng đại học. Người đó, có thể khi bực dọc sẽ nói tục, khi xin lỗi tôi sẽ không nói những câu từ mỹ miều, sẽ quanh năm không đọc lấy một cuốn sách. Khi đó, tôi sẽ nhìn sự vững chãi của tấm lưng, đôi vai họ mà sống. Con tôi sinh ra sẽ giống tôi ở sự nhẹ nhàng, yêu chữ nghĩa; giống ba ở sự mạnh mẽ. Có những hôm tôi chỉ biết nốc bia vào, hình dung ra cái viễn cảnh đó và cười chính mình. Không lẽ, tôi yếu đuối đến ngần đó?


     Những năm về trước, tôi gầy đến độ cứ ngỡ rằng cơ thể mình không thể mập được. Giờ, tôi tròn trịa hơn. Đôi tay thon dài của tôi cũng đã khác, nó thô đi, cứng nhắc. Ngày xưa, thầy tôi nói, tôi có đôi tay ngòi viết rất đẹp, mai này tôi sẽ gắn với chữ nghĩa. Từ ngày đôi tay tôi hết đẹp, cũng là lúc tôi bắt đầu chấm dứt nhiều thứ trước đây tôi từng thấy quan trọng. Nó như một điềm báo.