Rêu phong
trên những bờ tường, nóc mái…
Tôi thích nhìn những bờ tường rêu phong, chúng có một vẻ
thâm trầm từng trải, dù đó chỉ là một bờ tường, hằn trên đó là vết meo mốc cũ kĩ.
Những ngày mưa, nhất là những ngày mùa thu và mưa muộn cuối đông, nhìn những chân tường
hay những ô cửa khép hờ phủ đầy rêu. Chợt thấy, ở đó có một sự sống âm thầm,
loang lổ. Ngày tôi còn là con bé học trò, tôi thường ngồi trên chiếc ghế đá lạnh
tanh bởi mùa đông nhìn rêu ăn dần trên bờ tường trắng xóa, cứ thế rêu làm cũ kỉ,
ủ dột thị trấn tôi. Tôi thích những vết rêu, chúng buồn, nỗi buồn như tự kỉ vậy.
Giữa một con hẻm hàng ngày nhiều người đi lại, họ sống vồn vã trong cuộc đời
này, chỉ có vết rêu lặng lẽ bám hai bên thành con hẻm ẩm ướt và sống cuộc đời câm
nín. Những ngày mưa muộn, nóc mái cũng bắt đầu hóa rêu, một màu nâu buồn nằm
phơi mình nghe mưa. Mùa này, có lẽ vết rêu đã chết, chúng không sống nổi những
ngày nắng, nằm đó và đợi mưa. Chúng quá lặng lẽ, quá buồn!
Rêu phong trên cuộc đời…
Lắm lúc thấy mình buồn, một nỗi buồn không cụ thể lắm, dù biết
rằng sáng nay mình đã cười rất nhiều và ngày mai vẫn vậy. Khó chịu nhất là nỗi
buồn của tâm mang lại, thường thì ta buồn vì một điều gì đó ngoại tại mang lại
cho tâm, nhưng cũng có nỗi buồn tâm mang đến cho tâm. Như hôm nay, thức dậy sau
một giấc ngủ trưa, nhận ra mình nhiều suy nghĩ quá đỗi, dù cuộc sống chẳng có nỗi
buồn nào đáng kể. Có một thứ nỗi buồn khó lý giải, nó rỗng như buổi trưa không
tiếng gà và tiếng gió nồm hú, rối như mình
cố tìm chiếc bóng hay lắng nghe tiếng dép của chính mình khua trên nền đường giữa
một con phố kẹt xe. Thế là tâm không tìm ra điều gì bấu vịn, rồi ngột ngạt
trong mớ suy nghĩ cùng đường nên buồn. Lắm lúc tôi gọi nỗi buồn đó là tịch mịch,
rồi cũng chẳng lý giải được thế nào là cuộc đời tịch mịch, chúng luẩn quẩn đến
khó chịu. Tôi gác tay trên trán nghĩ, tôi của vài năm về trước thế nào nhỉ? Có
lẽ, hồn nhiên! Thế là biết, tôi đã rêu phong. Hệt như vết rêu lấn át bờ tường
trắng hóa màu nâu trầm buồn đến nhức mắt.
Cho tôi, một ngày vô định của đời mình!
14.05.2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét