Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Ngày cuối...

"Người khoa Văn chân thành lắm,
Người yêu Văn nhân hậu nhiều.
Cha mẹ dạy con mai lớn,
Chọn người khoa ấy mà yêu."
-Việt Nga-















Mập heo quá rồi!


Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Tình gầy


Tôi dắt tuổi đôi mươi về qua ngõ vắng
Nghe lòng mình nhọc nặng
Một mối tình không yên.

Cà phê thôi đắng vẫn chưa hết một buổi chiều
Có thứ nắng sau mưa hấp hối mãi trên mặt đường vàng phai xác lá
Gió mùa này dây dưa như những người đàn bà hay khóc
Nghe quạnh đắng cõi lòng
Tôi tự cô đơn giữa một con phố đông
Hơi mưa quyến rũ hơn mùi sách cũ
Víu lấy tay tôi gầy
Tháng này, người ta hay nghe những bản tình ca
Bản nào cũng buồn nhưng rất ấm
Ấm như giữa phố mùa đông ngửi thấy một làn khói thuốc thoảng bay
Say và nồng.

Có phiến lá úa nâu nằm co mình trong con hẻm xanh ri rêu ẩm
Vừa lìa cành – vừa xong kiếp lá
Tôi không xong một cuộc tình
Ôm kỷ niệm về bắt đền từng góc phố
Cuộc đời mình rồi sẽ đi dài, đi mãi về phía trước
Chỉ mối tình này đổ về phía sau – ký ức
Cứ để nỗi nhớ lên ngôi cho lòng mình nguội lại
Bởi tình gầy nên kỷ niệm mãi ốm đau.

Rồi biết làm gì mình trong những ngày còn biết thương
Biết nhớ đến nhau như một thứ ngải đời không phai được?
Giá tuổi trẻ là những bước đi dài trên sa mạc vắng
Nặng và đắm sâu
Rồi cũng nhòa mau 
Sau cơn bão cát...

Mùa đông, 2012

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

Nói lời yêu thương cũng cần nhiều can đảm...

Ba má sinh mình khi đã khá lớn tuổi, ngoài 40. Năm nay, ba má 64 tuổi. Mình và các chị rất ít khi biểu hiện tình cảm yêu thương đối với ba má, phần lớn từng thành viên trong gia đình tự cảm được yêu thương trong nhau. Vì ba má mình mộc mạc, chân quê; nên biểu hiện tình cảm đối với con cái cũng giản đơn, ít tâm lý. Chị em mình sống trong môi trường như thế, nên cũng hình thành một lối sống ít biểu hiện, dù là yêu thương rất nhiều.

Hôm nay, nghe C. nói chuyện với mẹ anh ấy, chợt nhiên mình ngồi tự vấn mình một hồi lâu. Mình nghe sơ qua cuộc nói chuyện của mẹ con họ: "Con yêu mẹ nhất nhất nhất...!", "Con hứa yêu mẹ nghe con...!"...v.v...




Với má, mình không quen tâm sự. Má dạy con theo kiểu rất cứng. Trong ký ức tuổi thơ, mình nhớ má đánh đòn mình rất nhiều lần, dĩ nhiên mình nghịch má mới đánh. Mà lạ, mình không hề sợ má. Khi ba má quyết định sinh mình, ba má hy vọng mình là con trai, vì ba là con trai cả. Nhưng rồi mình lại là đứa con gái thứ 4 của ba má. Từ nhỏ, mình đã được cắt tóc con trai, mặc đồ con trai, đi dép con trai, thậm chí đi học toàn đánh nhau với con trai. Đến lúc 7 tuổi, mình vẫn nghĩ mình là một đứa con trai. Có lần, mình cũng như bao đứa con trai khác, hay ở trần cho mát. Giữa trưa, mình nhập bọn với mấy đứa con trai thực thụ khác ra rãnh nước trước nhà bắt cá. Có một đứa giành thành quả "lao động" của mình (mấy con cá lia thia trống sặc sỡ màu), mình đã đánh nó trầy ngay mí mắt. Má nó mang nó sang nhà mình bắt đền, nói rằng má mình không có con trai nên để con đi đánh con trai nhà người khác, hỏi má có con trai để đền không. Thế là, má lôi mình ra đánh. Sau đó, má khóc. Mình biết, má là người đàn bà khổ.

Với ba, mình cảm thấy dễ tâm sự hơn. Từ bé đến lớn, ba không bao giờ đánh mình. Có một lần, mình làm vỡ bóng đèn, ba cốc đầu mình một cái, nhưng không đau như đòn roi của má nên mình không nghĩ đó là ba đánh đòn mình. Mùa hè năm 2011, mình bị con chó đẻ nhà hàng xóm cắn ngay trái chân. Mình về, mặt mếu máo nói với ba, khi đó ba đang đứng trong sân hốt lúa cho vào bao. Nghe mình nói, ba quăng ngay mủng lúa văng đầy sân chạy tới nặn hết máu từ vết răng chó cắn ra cho mình. Ba bỏ hết công việc chở mình đi tiêm thuốc ngay. Chiều đó trời đổ mưa, khi hai ba con về, sân lúa mưa ướt nhẹp, cuốn trôi ra tận ngõ. Thật, lúc đó mình muốn nói "thương ba", nhưng mình đâu nói được.

Đến giờ, mình cũng chưa từng nói thương ba má, dù chỉ một lần.

Nói lời yêu thương cũng cần nhiều can đảm đến thế?

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Một chặng đường

Bốn năm trước...
Bốn năm trước, tôi 18. Đã nhiều lần, tôi phải công nhận rằng, ở tuổi 18 tôi làm được nhiều thứ hơn bây giờ. Ít ra, khi đó tôi có lòng can đảm, có đam mê và biết tạo dựng một vài mối quan hệ khi mình đã yêu thích họ. Ở tuổi đó, tôi đã từng yêu ghê gớm một vài thứ, là yêu kiểu đắm say bất chấp. Có một lần, tôi mê cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, tôi tìm mọi cách để có nó. Tôi đã đọc nó một cách để dành, tôi sợ nó hết, bởi nó hay và ám ảnh đến từng trang. Tôi đọc nó trong tiết thực hành môn Hóa học, thầy bắt được, thu sách và cho lớp con C trong sổ đánh giá tiết học. Sau này, khi học năm ba Đại học, tôi có làm phê bình phân tâm học về tiểu thuyết này, tôi được 9.5 điểm.
Tuổi 18, tôi làm hồ sơ thi Đại học. Bạn bè tôi thi nhiều trường, nhiều ngành triển vọng. Tôi thi sư phạm Địa, không phải tôi học giỏi Địa, mà là tôi thần tượng thầy Tuyết dạy Địa tôi suốt ba năm cấp ba. Tuổi đó, con người ta hay sống cho cái mình thần tượng, bất chấp mọi thứ để được thần tượng và làm theo thần tượng. Đùng một cái, tôi có một thần tượng khác, đó là viết lách. Tôi mua lại hồ sơ để thi vào khoa Văn. Dù là, chỉ sau khi có kết quả đỗ đại học vài tháng, tôi đã hối hận rất nhiều về quyết định học Văn của mình.
Tuổi 18, tôi từng nghĩ và từng rất cố gắng để trở thành một người viết có chút tiếng tăm (khá buồn cười), viết cái gì đó khiến người ta nhơ nhớ đến...
Dù có ngô nghê, nhưng chí ít tuổi đó tôi sống rất ý nghĩa.
Bốn năm sau...
Ở tuổi 22, tôi gần như hết can đảm trong nhiều việc, dù là rất muốn làm. Tôi hay phân vân giữa cái không thích, thích và thích hơn. Sau cùng, tôi lại chọn cái không thích, vì sợ. Tôi sợ người đời nói này nói kia, tôi sợ làm gia đình thất vọng, tuổi đời cũng chẳng cho phép tôi phân nhiều và thất bại nhiều như trước. Tôi phải chọn lối đi thiết thực, gọn ghẽ.
Nếu tuổi 18 tôi từng nghĩ mình sẽ dài hơi trong viết lách, hai năm sau đó thôi, tôi nhận ra: nếu khả năng chỉ có vậy thì đừng cố làm gì, nếu viết bèo nhèo thì thôi gấp. Tôi không muốn làm cái nhảm ruồi. 
Kỳ thực, tôi không có duyên dài lâu với viết lách nhưng tôi không muốn từ bỏ nó. Tôi ra trường, không biết tôi có gắn bó với ngành học mình hay không, nhưng tôi sẽ viết blog thường xuyên để không quên mình từng viết.

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Rồi ai cũng sẽ khác

     A. âm thầm bảo lưu kết quả học để cưới. Trước đó vài tháng, A. chấm dứt một cuộc tình đắng cay, người đó bỏ A. đi. A. không đến lớp dự thi rất nhiều môn, tôi nói với nóː có những chuyện mình nên thương mình nhất. Nó đi thi trở lại, nhưng mái tóc ngang lưng cắt ngắn tận gáy. 
     C. cũng đã thôi học. Tôi không biết nói gì ngoài khóc. Chuyện tương lai của C., tôi không có quyền nói nhiều. Ngày C. thôi học, tôi ôm C. đau đớn đến đến độ bấm ngón tay vào đôi vai gầy của C. rớm máu. Khi tôi còn bé, ba tôi hay nói, đàn ông khóc sẽ không sống được. Tôi lớn rồi, nhưng vẫn muốn tin điều đó. Nơi đáy mắt C. đỏ ngần. Tôi nói với C.ː đàn ông khóc sẽ không sống được. C. cười gượng, cười còn đau hơn khóc. Tôi muốn thấy C. mặc đồng phục của trường. Muốn nhìn cái dáng của C. hí húi làm cho tôi ngôi nhà tăm có gắn bóng điện nhấp nháy. Muốn nghe C. nói tếuː Anh học bắn súng, mai mốt cướp nhà băng lấy tiền nuôi em ăn bánh tráng trộn. 
     Những ngày này, tôi đối diện với nhiều ánh nhìn khinh chê ngành học của tôi. Tôi nghĩ, không ngành học nào đáng chê cả, chẳng qua là cách mình chứng tỏ giá trị ngành học ấy chưa tốt mà thôi. Có những lúc tuyệt vọng, tôi hay nghĩ về khoản tiền gia đình cho và một hướng làm ăn khác. Tôi sẽ mang tấm bằng đại học về muối cùng năm tháng. Tôi sẽ bỏ chữ nghĩa, không đọc, không làm thơ, không bao giờ nhắc đến quá khứ với tuổi 17 biết viết lách. Tôi sẽ quen, yêu và lấy một người hơn tôi nhiều thứ, nhưng thua tôi một tấm bằng đại học. Người đó, có thể khi bực dọc sẽ nói tục, khi xin lỗi tôi sẽ không nói những câu từ mỹ miều, sẽ quanh năm không đọc lấy một cuốn sách. Khi đó, tôi sẽ nhìn sự vững chãi của tấm lưng, đôi vai họ mà sống. Con tôi sinh ra sẽ giống tôi ở sự nhẹ nhàng, yêu chữ nghĩa; giống ba ở sự mạnh mẽ. Có những hôm tôi chỉ biết nốc bia vào, hình dung ra cái viễn cảnh đó và cười chính mình. Không lẽ, tôi yếu đuối đến ngần đó?


     Những năm về trước, tôi gầy đến độ cứ ngỡ rằng cơ thể mình không thể mập được. Giờ, tôi tròn trịa hơn. Đôi tay thon dài của tôi cũng đã khác, nó thô đi, cứng nhắc. Ngày xưa, thầy tôi nói, tôi có đôi tay ngòi viết rất đẹp, mai này tôi sẽ gắn với chữ nghĩa. Từ ngày đôi tay tôi hết đẹp, cũng là lúc tôi bắt đầu chấm dứt nhiều thứ trước đây tôi từng thấy quan trọng. Nó như một điềm báo.


Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Ngải đời

Những năm trước, cách đây chừng 10 hay 15 năm, ba má tôi hay cãi nhau. Giờ thì hết hẳn; vì ba má đã có tuổi, gia đình tôi cũng đã khá, các chị tôi đã có kinh tế riêng, tôi cũng đang tập dần cách bước vào đời. Ba má tôi cãi nhau vì nhiều lẽ, nhưng phần lớn là vì túng bấn. Dạo đó, tôi còn rất bé, mỗi lần ba má cãi nhau tôi hay chắp tay cầu trời cho ba má thôi cãi. Khi ấy, chị Hai tôi khoảng đôi mươi, chị hay ngồi sau rèm khóc khi ba má tôi đôi co. Má tôi rất lớn tiếng, ba tôi thì nhỏ nhẹ và triết lý. Má luôn luôn thắng trong các trận cãi. Mà được gì đâu chứ? Sau cùng, tôi biết, má tôi là người đàn bà khổ, càng lớn tiếng thì càng nặng lòng, càng nặng lòng thì càng khổ. Ba tôi cũng là người đàn ông khổ, chính ba làm ba khổ, có lẽ vậy.
Ngày đó, tôi hay tự hỏi: Hồi còn trẻ ba má đến với nhau bằng lẽ gì? Có tình yêu trong đó không? Sao phải ràng buộc nhau để đau khổ? Đó chỉ là những suy nghĩ ngày tôi còn bé và còn tin tuyệt đối rằng, tình yêu là một thứ gì đó rất êm đềm. Bây giờ, tôi biết, ba má tôi cãi nhau chẳng vì tình yêu cạn cùng hay đắm say tuổi trẻ đã hết. Những năm đó, tôi thấy gia đình tôi là một gia đình buồn. Tôi cũng là một đứa trẻ buồn. Tôi biết buồn rất sớm, không phải buồn chóng vánh kiểu non nớt trẻ thơ, mà là buồn của cảm giác. Tôi sợ nhất những lúc ba nhả khói thuốc bay hiu hắt mỗi chiều, lúc ba nói chuyện đời nghe chua chát, lúc má ngồi sau nhà khóc than đời má khổ, lúc chị Hai vác balo ra đi, lúc ba chở tôi đi trên đoạn đường quê vắng teo và kể tôi nghe về tuổi trẻ của ba bằng giọng bùi ngùi…
Bây giờ, tôi hay nghĩ, những cãi vã của ba má tôi chỉ như một thứ ngải không dứt được mà thôi, thứ ngải mà đời chuốc vào mình. Khi ghép hai cuộc đời vào nhau, ràng buộc nhau với cái nghĩa hôn nhân, thì đã là cái tình nghĩa chung nhau, cái đau thương chung nhau. Biết là cuộc sống phát sinh ra những đau thương triền miên, nhưng vẫn không cách nào dứt ra được, vì sau cùng còn tình nghĩa nâng đỡ. Cái lý ở đời nó vậy, cuộc đời khiến mình như vậy. Vậy đó, đời chuốc cho mình một thứ tình nghĩa và đau thương. Ba má tôi biết là gây khổ cho nhau nhưng vẫn đi đến cuối, vì vẫn còn cái tình của con người trong đó. Cuộc đời hay khiến con người ta dây dưa. Ai bằng lòng thì gọi là bể vui, ai không bằng lòng thì gọi là bể khổ.
Tôi không phải là người chung thủy, chung thủy ở đây không phải chỉ trong tình yêu, mà là trong nhiều thứ của cuộc sống. Ví như, tôi từng có một niềm đam mê khiến tôi can đảm đánh đổi nhiều thứ (học lực, sức khỏe, ngành học dễ xin việc hơn), nhưng rồi tôi cũng quên nó, tôi bỏ nó mà đi, suốt quãng đời còn lại tôi khó lòng trở lại một cách nhiệt thành với nó. Ví như, vài mối quan hệ tôi từng nghĩ là tốt đẹp và bền lâu, nhưng rồi tôi cũng lười hàn gắn, dù biết rằng người ta còn vị trí khá nặng với lòng mình. Tình yêu cũng vậy, tôi không chung thủy. Là tôi nói lời chấm hết, không vì một dáng hình nào khác, không vì sự phản bội. Chỉ vì, với tình yêu, tâm tôi bất an quá. Đôi lúc, tôi nghi ngờ mình, tôi tự cho mình là con người xấu xa. Một người yêu và cần tôi như thế, nhưng tôi lại phủi lòng quay đi, sau ngần 5 năm gọi nhau là người tình. Càng lớn, tôi càng nhận ra, cần nhau chưa phải là đủ. Đã có những sự bất mãn ngầm trong đáy mắt nhau, cả hai cũng còn quá và khá trẻ để có những sự cứng đầu mà có lẽ cần thêm nhiều năm tháng mới thấy nó sai lầm. Có phải, tôi là loại người luôn có lý do cho mình không? Tôi không đủ can đảm chấp nhận người mới, tôi không đủ can đảm quên người cũ. Tôi nửa vời. Tôi bất an vô cùng. Nhiều lúc, tôi nghĩ, tội tình gì mình phải nước hai, khi cuộc đời này dài rộng? Nhưng đã lâu ngày rồi, tôi chưa tập vui trở lại trong tình yêu. Chuyện dây dưa giữa hai đầu quên – nhớ trong tình cảm cũng như một thứ ngải, cứ gây nhớ mãi, dù là mình đã cố gắng đi với cuộc tình sau. Đời chuốc cho mình những mê đắm, rồi chuốc những não nề.
Ngày mới lớn, tôi hay ước mơ rằng, sau này lớn lên tôi sẽ mưu cầu cho mình một kiến thức chuyên môn vừa đủ dùng, sẽ xây đắp cho mình một mối tình bình thường. Ước mơ của tôi, cơ bản thất bại. Tôi nhận ra, kiến thức chẳng bao giờ đủ cả, dù là hạn định trong một chuyên môn đi nữa. Với học hành, tôi sai lầm và thất bại rất nhiều. Mối tình của tôi không bình thường được, nó không bình yên như ngày xưa tôi và người hay nói. Có những hôm, tôi thấy mình hai bàn tay trắng, một tuổi trẻ đói. Trắng tay ước mơ, trắng tay tình yêu… Đói dần khát vọng, đói khát niềm tin, đói cả yêu đời…
Trong một chiều cuối năm, nắng rất mỏng và hiu hắt, thật lòng tôi muốn mình có thể chốt hẳn mọi thứ lại.
Tự hỏi: Rồi đây, ai an cái tâm cho tôi?!

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

...

  • Đời người là một cơn chấn động dài, khó lường trước được. Tốt đó rồi xấu đó, xấu đó nhưng lại là tốt. Em không biết nói sao nữa, em chỉ biết nói vậy thôi, lòng em tổn thương quá!
  • Vì cuộc sống nên đôi khi mình phải cố gắng nhiều thứ, nhưng tận sau cùng, được hay mất em cũng chẳng thấy vui. Làm sao để cuộc sống này phẳng lì, không đau thương tràn lấp, không niềm vui lên ngôi, lúc nào cũng yên vị một trạng thái? Làm sao để mình bằng an, không nhận ra đau thương, không tham muốn? Những người như em, sống để làm gì? Để hủy hoại mình, để sầu úa thôi sao? Những ngày thế này, em không biết làm gì em nữa. Thấy lòng mình như văng ra nhiều mảnh, vô định không phương hướng.
  • Em sợ những cuộc vui, hễ vui nhiều thì sau đó em lại buồn gấp bội. Thà là để em tự cô đơn trong thế giới của em, em thấy nó an toàn tương đối.