Chiều hôm rồi tôi lại ra sông, mùa này nước
rút cạn, chỉ còn vạt nước mỏng nằm ôm đáy. Tôi áng chừng, đây là mùa hè sau cùng
còn sót lại trong đời mà tôi có thể ra sông, nhìn sông bằng con mắt dặt dìu.
Vài năm nữa thôi, tôi sẽ khác đi. Mà cụ thể là già đi trên khuôn mặt lẫn nếp
nghĩ, có buồn đi chăng nữa chắc tôi cũng chẳng ra sông. Càng lớn, người ta xử
lí nỗi buồn càng thầm lặng hơn, thường là câm nín, và thôi không còn nức nở. Chưa
mùa hè nào tôi thấy sông khô đến vậy. Thì ra sông đã đứt nguồn, nước thôi không
chảy qua ngã này, chỉ còn lại bãi cát vắng ngắt với vài cây ma vương chết đứng.
Tôi biết, những thứ đã mặc định hình ảnh của nó trong đầu, khi chúng thay đổi
chóng vánh, lòng ta sẽ buồn.
Cuộc đời này đôi lúc cũng như sông, cũng đến
lúc cạn khô và chết lặng. Như Ba tôi, Ba gầy đi nhiều, trũng mắt sâu và đôi
chân chậm dần. Nhiều năm qua đi, khi thời gian lấp dần tuổi trẻ thì ai chẳng
tàn đi chút ít. Những đêm Ba tôi đau, cơ mặt Ba co rúm lại, tôi chống chế ý
nghĩ của mình bằng cách an ủi tôi, rằng, Ba sẽ ở bên tôi mãi. Những mất mát hiển
nhiên trong đời dù muốn hay không rồi cũng sẽ đến, tôi ngoan cố suy nghĩ ngược
đi, rồi nước mắt tôi chảy dài. Sự thật, Ba tôi đã yếu hơn ngày xưa nhiều. Độ
này, Ba thường ngồi kéo những hơi thuốc lá dài và chậm, dáng người bần lắm, dường
như suy nghĩ điều gì đó rất sâu. Giá đừng suy nghĩ về tuổi trẻ. Khi cuối đời,
nhắc đến tuổi trẻ, người ta thường buồn, như câu hát “Cuối đời còn gì nữa đâu, đã tàn mộng mị, khát khao”. Đến tôi, nhắc
đến tuổi trẻ cũng hay bần thần về tuổi mình.
Như Má tôi. Tôi từng
nghĩ Má tôi là người đàn bà mà chất đàn ông tồn tại nhiều hơn, Má không khóc
trước những sóng gió. Má mạnh mẽ đến độ khi tôi yêu, tôi thường so sánh đôi tay
người tình có rộng và vững như đôi tay của Má. Con người ta, khi còn ở tuổi hoa
niên, có niềm vui nỗi buồn đều khóc cười không nén được cảm xúc. Rồi trưởng
thành, họ biết khóc thầm với nỗi đau, biết cười lặng lẽ với niềm vui, hưởng thụ và chịu đựng âm thầm lắm. Cuối đời, khi đã ở tuổi hoa râm, họ lại không nén được nỗi lòng
như tuổi hoa niên. Họ dễ khóc thành tiếng trước nỗi đau, hay dễ cười giòn với
niềm vui. Cuộc đời này, có những thứ lệch pha nhau, nhưng hoạt động cùng tính
chất đến đắng lòng như vậy. Độ này, Má thường khóc. Tôi biết, Má tôi đã đến tuổi
không kiềm nén được xúc cảm như quy luật ấy, Má đã xế chiều. Nhìn nước mắt Má
chảy từ trong hẻm mắt ra, tôi đau. Cuộc đời tôi (mà có lẽ ai cũng vậy thôi),
không đòn roi nào đau bằng nhìn ba má khóc.
Tôi
không để ba má dắt tay tôi đi, đã từ lâu tôi đặt ba má ở một vị trí của lòng,
sau nỗi đau tôi biết chỉ gia đình thương tôi nhất. Tôi tự mình vượt lên những
thất bại, đôi lúc mệt lả, tôi chán thở, rồi ngủ vùi đi khi trong đầu vẫn nhừa
nhựa ý nghĩ – tôi đang đi trên sỏi. Tôi từng sợ những mưa bụi, bon chen Sài
Gòn. Nhưng “ở chợ hay ở quê gì rồi người ta cũng lớn lên”, với những người có
chí hướng, Sài Gòn được lắm. Tôi nhận ra mình thay đổi nhiều, tôi sống và suy
nghĩ đằm hơn. Có lẽ là già, nhưng cuộc đời này cần vậy. Rồi ai cũng phải lớn,
phải lo toan cho đường mình. Tôi chẳng thể hồn nhiên khi tuổi mình không cho
phép nữa, hẳn một điều tôi không muốn làm sao quả tạ đè nát lòng những người
yêu thương tôi. Với viết lách, tôi từng nghĩ mình không thuộc về văn chương, chưa
bao giờ tôi nhiệt tình với nó, tôi đến với viết lách vụng về và nông cạn. Thời
gian này, tôi chợt ý thức khủng khiếp vai trò viết lách đối với tôi. Nó không
là cảm giác nghệ thuật chợt đến chợt đi như ngày xưa. Nó – văn chương – con người
- miếng cơm manh áo của tôi bây giờ, và về sau mãi. Mỗi sáng ra, tôi biết mình
vẫn còn thở thì vẫn phải viết. Tôi đưa tất cả những gì tôi đạt được về con số 0
và bắt đầu lại bình thường nhất.
Ừ, thì đời người đôi lúc như sông, lúc chở nặng phù sa,
lúc cạn cùng sỏi đá. Nhưng, niềm đau hay hạnh phúc, chỉ là quan niệm của mỗi
người mà thôi, nó không là phạm trù tuyệt đối.
Quảng Ngãi thương, 10.06.2012 (AL)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét