Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Hai ngả đường xưa


"Ta đã chọn và đường đời đã khác."


Hai ngả rẽ giữa cánh rừng thu vắng
Biết về đâu người lữ khách phân vân
Một ngả đường ta đứng xa trông
Cho đến lúc giữa ngàn cây lẫn khuất.

Nhưng…ta chọn, không phải em, đường thứ nhất
Bởi đường kia mới thật chất nguyên sơ
Đường cỏ xanh như tiếng gọi trong mơ
Dù có lẽ cũng lối mòn chẳng khác.

Sáng thu ấy lá rụng nhiều xao xác
Ngả đường đầu ta hẹn đến mai sau
Những ngả đường ta ước sẽ giao nhau
Bởi không biết bao giờ ta trở lại.

Ta sẽ kể về tháng năm khắc khoải
Tiếng thở dài vọng mãi cánh rừng xưa
Nắng hanh vàng trên một lối hoang sơ
Ta đã chọn và đường đời đã khác.


Robert Frost
Hoàng Anh Dũng (dịch)

"Một kiếp xa xôi, một đời quên lãng..."

Liêu xiêu lắm!

Một đời quên lãng - Ngô Thụy Miên


Người đến bên tôi, tim tôi chơi vơi, hn tôi rã ri
Ging nói năm xưa, n cười ngày nào nh vương tà áo
Bài thánh ca đêm, nhc mm hiu ht
Ôm b vai, du dàng ngây ngt
Hnh phúc trong tay, mt thi mơ ước, gi mng xa bay.

Người đã yêu tôi, thương trao đôi môi vùng ân ái này
Mt thoáng mây bay, trong cơn mê say gi tên người mãi
Còn nh khôn nguôi, mt chiu im nng
Mưa còn rơi, gi nim cay đng
Là mt nhau ri, là đi chia li, ni bun riêng tôi.

Còn đâu tình yêu xưa du đã mun màng
Còn đâu bao tiếc nui xót xa đy vơi
Còn đâu na ngày vui đã tàn
Còn đâu na tình thôi l làng
Còn đâu na, tìm đâu thy na, người yêu du ơi.

Tình đã phôi pha, nghe trong tâm tư nim đau xóa nhòa
Rượu m đôi môi mà lnh mt tri, su dâng ngp li
Người đã quay đi, li nào không nói
Riêng mình tôi ch mùa đông ti
Mt kiếp xa xôi, mt đi quên lãng
Em còn yêu tôi ? 





Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Lẽ nào mình tôi!

Đêm qua tôi chiêm bao, tôi thấy mình của ngày bé. Đó là một ngày đầu thu, trời không nắng, không một chút hanh hao nào, gió bắt đầu phiêu qua chái nhà, quạnh lắm. Lá tre và rơm rạ theo gió xổ đi khắp ngã đường, cuộn vòng vèo theo gió, mùi gốc rạ mục ruỗng bốc mùi ngao ngán. Tôi thấy tôi ngồi bên hiên khóc, tôi không có bạn (ngày còn bé, mỗi độ vào thu đông, bạn bè của tôi thường được ba mẹ gửi về xóm dưới đi học, vì xóm tôi mưa xuống hoàn toàn cô lập bởi nước, mùa thu đông ở nhà tôi không có bạn để chơi, có lẽ điều đó ăn vào giấc chiêm bao tôi). Hình như tôi ngồi giữ con chó ba mới xin về đang bị úp trong cái thúng, tôi sợ nó đi mất. Tôi bưng chén cơm, cứ tôi ăn 1 muỗng thì lại xúc bỏ cho con chó một 1 muỗng. Tôi cứ ngồi một chỗ mãi, chờ đợi, trông giữ, chơi vơi lắm. Tôi thấy cả gió đầu mùa tốc tóc tôi rũ rượi, rát khô. 

Rồi ba đi làm về, ba cho tôi một cục đất sét, tôi hết khóc và ngồi nặn đất sét thành một cái nồi. Tôi thấy cả dáng ba tôi loay hoay nấu cơm trong bếp, khói bếp rẽ đường lên trời trắng xóa. Ba cho tôi vài cái khoai lang, một chén nước cơm đặc quánh rồi sai tôi đi kêu má về ăn cơm. Tôi đi qua những bờ ruộng vắng người, gió lạnh xả tới tấp vào tóc tai tôi. Tôi thấy má làm đồng, tôi kêu mãi, kêu mãi mà má không nghe. Tôi đứng giậm chân giậm cẳng khóc gào, kêu mãi. Gió vẫn hất tung lá và rạ bay đầy đường. Tôi đứng ngược gió.

Thường thì, những giấc chiêm bao luôn khiến mình bất lực trong một điều gì đó. Giấc chiêm bao đêm qua khiến tôi thấy mình cô đơn, nhỏ bé, quạnh hiu. Tôi chỉ muốn ngồi bó gối ôm lấy mình. Lẽ nào, đường vắng mình tôi!

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Sống là để gom góp kỷ niệm

Đã 5 năm, từ ngày vào phổ thông, tôi không theo dõi bộ phim dài tập nào. Có một bộ phim tôi xem từ ngày còn nhỏ, mãi về sau tôi không bao giờ dám xem lại, vì buồn. Dạo này, tôi bỗng có can đảm xem trở lại. Tôi từng nghĩ, giờ, tôi đã đủ sức trụ thật vững để thôi thấy lòng mình quặn lên trước những xúc cảm chảy tràn. Nhưng, tôi sai rồi. Tôi vẫn buồn vẹn nguyên như ngày đầu tiên xem phim ấy. 

Xem xong, tôi đã khóc rất nhiều, vì một nỗi liên tưởng!

Con người ta, sống là để gom góp kỷ niệm. Bước một bước, nhặt một kỷ niệm. Nhặt mãi, đôi lần cũng thấy trĩu. Nhưng đâu thể buông, đâu thể tráo đổi. Thế là, mỗi sáng ra vẫn biết mình thở, tóc mình vẫn xanh vời vợi. Nhưng sao khó sống quá? Thấy nặng ở và đau ở chỗ này - tim và ý nghĩ.

Sống, gặp nhau, đâu phải một cái quay lưng thì phôi pha hết. Cuộc sống và ngóc ngách tâm can mình, chưa hề đơn giản vậy. 

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Tấm lưng, đôi tay

Trước kia, tôi không có thói quen nhắc đến tấm lưng và đôi tay của ai theo nghĩa ẩn dụ. Tôi chẳng để ý tấm lưng ai rộng hẹp ra sao, đôi tay gầy mỏng thế nào. Tôi đâu đủ tinh tế đến thế. Một năm nay thôi, lũ bạn tôi kháo nhau: tao tìm được một tấm lưng để kê đầu lên những lúc buồn, tao hạnh phúc khi tay mình gọn lỏn trong một đôi tay... Đại loại thế. Tôi mới nhận ra, con gái chúng tôi, hạnh phúc cả đời chỉ ở hai thứ ấy - tấm lưng, đôi tay. Nên, tấm lưng và đôi tay là thứ mà chúng tôi ưa nhắc đến.

Ngày tôi học lớp 10, thầy xếp tôi ngồi bàn cuối cạnh một thằng con trai. Thằng này mập, mỗi lần ra chơi nó hay úp mặt xuống bàn ngủ, tấm lưng nó rất rộng nên chiếm hết cả bàn. Bởi vậy, tôi ghét tấm lưng của nó. Cộng thêm cái tật hay nhoi và rung đùi càng làm tôi ghét hơn. Mỗi lần nó nhoi làm tôi rớt tập, rớt viết là tôi độc miệng chửi: "Mập quá ra ngoài sân lăn cho chết cỏ kìa, nhoi hoài!". Đương nhiên nó cũng đâu có vừa, bữa đó nó nói tôi da đen. Sang lớp 11, không ngồi với nó nữa, tôi xin thầy chuyển qua ngồi bên cửa sổ. Đến lớp 12, nó cùng tôi chuyển trường, tôi ngồi dưới nó. Tôi nhớ, có lần kiểm tra môn Sử tôi đã không học bài, thế là tôi núp sau tấm lưng vĩ đại của nó xem tài liệu. Cứ thế, môn nào không ổn tôi lại núp sau lưng nó tung hoành. Tôi không ghét tấm lưng của nó nữa, lần đầu tiên trong đời tôi thấy tấm lưng có vai trò che chở, dù là bất đắc dĩ.

Cũng vào năm lớp 10, cũng là thằng mập đó, lúc ra chơi tôi với nó hay chơi đánh bài tiến lên. Đứa nào thua thì úp bàn tay xuống bàn để đứa kia nhút cây bút qua từng kẽ tay (đương nhiên là bút đã bấm thụt ngòi lên, nên đụng vào cũng không đau là mấy). Khi tôi thua, nó lấy bút nhút tay tôi, vì tay tôi quá nhỏ, kẽ tay cũng sẽ nhỏ theo, nên tỉ lệ nhút trúng đương nhiên nhiều hơn tay nó. Nó nói tay tôi nhỏ quá, nó sẽ không nhút, thay vào đó là nó sẽ búng vào đầu ngón tay tôi. Mà, búng vào đầu ngón tay cũng đau đâu kém gì nhút bút, thằng đó ác tổ chảng. Nó búng đầu ngón tay tôi đúng một cái, rồi sau đó không búng nữa, dù tôi thua. Có lẽ, tôi là con gái, hoặc nó thương hại đôi tay tôi.

Yến - bạn tôi, nó rất hay đeo nhẫn ở ngón áp út. Có hôm nó tháo ra cho tôi đeo thử, tôi đeo ngón nào trên bàn tay cũng lọt, kể cả ngón cái. Bỗng dưng, tôi thấy đôi tay bé nhỏ của mình thật đáng thương. 

 

Giờ, một tấm lưng rộng đâu thể hiểu ngây thơ là để "ra ngoài sân lăn cho chết cỏ" hay để tôi núp xem tài liệu. Một đôi tay to lớn đâu phải để tôi nhút bút tơi tả vào kẽ tay. Tấm lưng, đôi tay là cả một ẩn dụ dài phía trước, là cả một niềm tin cho tôi bây giờ. Người đó có hiểu tôi không?

Cảm ơn mày cho tao một liên tưởng về tấm lưng và đôi tay nhé thằng mập Cảnh!




Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Đường nhiều đá lắm, chậm thôi!

Chưa bao giờ trong đời, tôi lại hoang phí ý nghĩa những tháng năm thế này.  Tôi ném phăng một cuốn sách đọc dở dang vào xó, và quên nhặt ra trở lại, đến bây giờ tôi mới nhớ tới nó, đã 6 tháng rồi. Tôi hay hỏi bây giờ là tháng mấy, rồi áng chừng tháng này năm đó tôi ra sao, có mệt nhoài như bây giờ không. 

Tất cả. Là dần cằn khô? Hay đơn giản là lớn rồi? Hay là cái giá phải trả của những kẻ quá lưu luyến kí ức? Có phải ai đến tuổi này cũng thế? 

Cuộc sống này vốn không hề đơn giản. Đời thì nhiều chân lí lắm, đủ đầy ra đấy. Nhưng khi chạy đến chân lí ấy, chắc gì không đau, chắc gì không cấu cào. Đã qua cái tuổi bám víu như điên cuồng vào chân lí, hay hoang phí lòng tin cho một nơi chốn. 

Lắm hôm, tôi chỉ muốn nằm im, nghe ngoài kia xôn xao xáo động. Tôi nằm thật im, để tim mình man dại vài phút, nước mắt mặn lè bết hai bên tóc. Vì thật lòng, đời chẳng có chân lí nào nguôi đi ý nghĩa, chẳng qua suy nghĩ giờ rêu mờ rồi. Trong cơn mê sảng, tôi vẫn hay an ủi mình: đường nhiều đá lắm, chậm thôi. Tôi cứ an ủi tôi mãi, rồi đường dài mình tôi, quạnh vắng bóng tôi. Chỉ tôi với con đường. Đã nhiều lần, tôi thấy mình cô độc, nhất là sau một niềm vui dần cạn.

Đêm nay rất buồn!


Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

"Mùa trạng nguyên đỏ lửa"

Ngày này, hai năm trước, tui ngồi mòn mông với môn Địa trong kì thi Đại học. Bữa đó, tui tự mò mặt lên điểm thi Trường THCS Minh Đức, Nguyễn Thái Học, Q.1. Đang làm bài tự dưng đau bụng (tui rất dễ bị đau bụng, bởi vậy mỗi lần đi xe bus tui trùm mặt, kéo cao cổ áo y như mấy bà buôn heo). Thế là tui xin giám thị ra ngoài mà họ hổng cho, vì còn 30' nữa là hết giờ làm bài, họ biểu tui ráng. Tui tức tưởi vẽ vèo vèo cái biểu đồ, chờ đến khi đánh trống còn 15' là tui nộp bài tẩu lẹ. Kết quả là tui đã tính sai nên vẽ sai biểu đồ (câu đó 2 điểm chứ ít đâu). Môn Địa năm đó tui 6 điểm.



Môn Sử tui tệ nhất, tui bị thầy giám thị đuổi xuống bàn cuối ngồi (giờ gặp thầy trong trường, tui còn ức lắm), vì thằng ngồi trên hỏi tui câu 1 làm sao, khi nó mở miệng ra hỏi thì thầy không thấy, đến khi tui mở miệng ra trả lời thì thầy lại thấy, thầy la tui quá chừng (giờ gặp lại thằng hỏi bài tui trong trường, tui còn hận nó lắm). Môn Sử tui làm dài ơi là dài, rốt cuộc 3đ. Chu choa là mất mặt. Nhưng sau đó nghe báo chí nói, cái trường Đại học nào đó, ở miền Tây đó, cả ngàn thí sinh thi môn Sử mà có mấy thí sinh trên 5đ, còn 0.5đ chiếm con số ngất ngưỡng. Bởi vậy, tui cũng hả hê với con 3 của tui lắm.

Môn Văn năm đó thì miễn bàn. Môn Văn là nhẹ nhàng nhất với tui, từ hồi lớp 1 đến lớp 12 đều nhẹ tênh (giờ thì chả nhẹ chút nào). Văn năm đó tui 5.5đ chứ mấy, tui có bao giờ biết cố gắng với môn này đâu. Tui nhớ, hồi tui học lớp 9, thầy biểu tui đi học bồi dưỡng Văn để đi thi học sinh giỏi, tui quyết không đi. Thầy ép tui đi cho bằng được, tui về méc ba là tui không thích học cái đó. Thực ra là, năm đó tui mê AFF Cup hơn là đi học bồi dưỡng Văn. Còn hồi tui thi vào 10, tui quyết chọn học ban A. Tui thừa điểm vào trường tui thi, nhưng môn Toán tui làm bài điểm thấp quá (thấp khủng khiếp, kể ra thì nhục mặt lắm luôn), nên khi vào học trường đã chuyển tui qua ban C, thế là tui học Văn từ đó. Tui học Văn không cần cố gắng như mấy môn khác, tui cứ tà tà, không giỏi không dở. Hễ cô kiểm tra bài tui rồi là tui không thèm ghi bài nữa, đến cuối kì mượn vở bạn photo học bài (Cô Huyền ơi, nếu cô có đọc được entry này của em, cô đừng giận em nhé!). Bởi vậy, tui tranh thủ giơ tay làm bài tập kiếm điểm miệng, sau đó an nhàn và an toàn khi không phải chép bài muốn gãy tay. Mà, tui không ghi bài môn Văn thì thôi, chứ đã ghi thì thể nào cuốn tập môn Văn cũng là cuốn tập sạch đẹp, gọn gàng nhất trong số tập vở của tui. Dù tui có láu cá với môn Văn thế nào, thì sâu thẳm trong tôi, môn Văn vẫn là môn học tui trân quý. 

Tui chọn học Đại học chuyên ngành Văn, phải thực tế là tui bồng bột vì điều đó. Bây giờ, ngành Văn học làm tui chán nản và nhiều lúc rầu rĩ, bởi đây là lối đời sai lầm to lớn của đời tui. Khi vào Đại học tui mới nhận ra, tui yêu Văn học chỉ trên góc độ chiêm ngưỡng, hưởng thụ nó. Chứ để lí trí phân tích, nghiên cứu thiệt là nỗi khó khăn ghê gớm với tui. Nhưng, tui xác định, vì tui không đủ tình yêu dành cho nó, chứ tui không nhếch mép khinh khi như một số người vẫn đối đãi với giá trị ngành học này. Bạn bè tui vài đứa đã bỏ cuộc khi chọn Văn học, tui vẫn gắng gượng. Tui biết rằng, tui còn quá trẻ để đánh đổi, để chọn lựa cái này cái kia, nhưng cha mẹ tui chẳng còn trẻ nữa để chịu đựng sự đánh đổi đó của tui.

Ngày tui thi Đại học, công nhận là tui cảm thấy không chút lo lắng nào. Tui thi qua quýt và chọn ngành không suy nghĩ kĩ (rồi năm tháng nào cũng bắt mình phải trả giá), do má tui biểu tui nên hoãn học Đại học lại một năm, đợi Tư tui tốt nghiệp rồi tới lượt tui học cho má nhẹ gánh nặng tiền bạc (năm đó Tư tui năm cuối). Tui ôn đúng 6 ngày rồi đi thi. Khi đi thi, anh rể chở tui đến địa điểm thi làm thủ tục, hôm sau thì tui tự đi. Bởi vậy, thi Đại học để lại rất ít kỉ niệm xúc động trong tui. Nhưng, những ngày mùa trạng nguyên này, khiến lòng tui xôn xao trở lại tuổi cũ. Mới đó, mới đây thôi. Gần lắm trong tâm tưởng tui, nhưng thiệt ra xa dzời dzợi. Sẽ chẳng còn kì thi nào trọng đại và thiêng liêng trong đời nữa!




Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Rồi năm tháng nào cũng bắt mình phải trả giá!


Đêm nay, tôi vỗ về mình mãi, giấc ngủ vẫn không thành được. Tiềm thức tôi cứ hiện lên tôi của mấy năm về trước - có tình bạn quàng vai bá cổ nhau, có nắng tháng này rực một góc thị trấn, có ly nâu thời tập tành nhấp nháp cà phê... và có thơ nữa. Thời đó, thấy đời mình cứ giòn tan. Tôi phải trở lại nhanh thôi, khi đêm về lòng tôi cứ nhức quá! Thực tình, tôi nhớ xưa cũ của tôi lắm! Năm tháng nào dù vui, buồn. Rốt cuộc, tận sau cùng cũng chỉ sót lại cho lòng mình một nỗi nhớ. Đời, hiếm có nỗi nhớ nào an được. Rồi năm tháng nào cũng bắt mình phải trả giá.

Thương da diết những gì đã qua! 

Dạo này, tôi cảm được, những người như tôi sẽ mãi cô độc. Không phải cô độc vì thiếu tình người trong đời.

Khi chưa vào đời, tôi đâu hay mình ngổn ngang thế!